• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • 15 Ngôi Chùa Cầu Duyên Nổi Tiếng Giải Lời Nguyền Cô Đơn

    Klook Vietnam
    Klook Vietnam
    Last updated 8/6/2023
    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nếu chẳng may dính phải “lời nguyền F.A” thì #teamKlook cũng đừng vội sầu não. Nhanh chóng thẳng tiến 9 ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng trong bài viết này để chuyện ái tình thăng hoa nhé!
    Bên cạnh tiền tài và sự nghiệp, tình duyên cũng là chủ đề được bàn luận xôn xao trên mạng xã hội vào những tháng đầu năm. Làm thế nào để gặp gỡ nửa kia hợp cạ hay may mắn hơn là thoát “kiếp phòng không”? Xách ba-lô lên và vi vu đế những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nhất Việt Nam thôi. 

    1. Chùa Hà - Hà Nội

    cau-duyen-chua-ha-ha-noi
    (Nguồn ảnh: Báo Kênh 14)
    E ấp nép mình trên một con đường tĩnh lặng thuộc quận Cầu Giấy, Chùa Hà gây ấn tượng bởi cổng chào uy nghi độc sắc xám, lối kiến trúc cổ kính và duy mỹ, với phần lớn nội thất được làm từ gỗ quý. Chùa Hà còn có tên gọi khác là Thánh Đức Tự - cùng với Chùa Duyên Ninh - tạo thành “tổ hợp cầu duyên” linh nghiệm trứ danh miền Bắc. Từ sau Tết Nguyên Đán, lượng du khách đến chiêm bái Chùa Hà càng thêm đông đúc; chủ yếu là các bạn trẻ đến nguyện cầu cho cuộc sống lứa đôi bền chặt. Trên đường đến Chùa Hà, #teamKlook dễ dàng bắt gặp vô số hàng quán bán hoa hồng, vòng, nhẫn... dành cho các cặp đôi trông rất vui mắt. 

    Chùa Hà

    • Địa chỉ: 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
    • Giờ mở cửa: 8:00 - 18:00

    2. Chùa Phúc Khánh - Hà Nội

    cau-duyen-chua-phuc-khanh-ha-noi
    (Nguồn ảnh: Vietnamnet)
    Ra đời vào thời kỳ Hậu Lê, Chùa Phúc Khánh (hay Chùa Sở 1) là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Hà Thành. Địa điểm này đã được công nhận là Di Tích Lịch Sử - Văn Hoá Cấp Quốc Gia vào năm 1988. Trải qua nhiều lần trùng tu vào thế kỷ XIV và XX, Chùa Phúc Khánh vẫn lưu giữ được vẻ đẹp cổ kính - lấy vàng và nâu làm sắc màu chủ đạo. Chùa đang lưu giữ hơn 20 pho tượng, 21 tấm bia đá, 30 đại hồng chung cùng nhiều hiện vật mang giá trị cao về nghệ thuật. Mỗi năm, hàng chục nghìn Phật Tử ghé đến Chùa Phúc Khánh để cầu duyên, cầu an, cúng giải hạn... #teamKlook nên ghé đến đây một lần để được mục sở thị vẻ đẹp mộc mạc mà ấn tượng của Chùa Phúc Khánh nhé. 

    Chùa Phúc Khánh - Hà Nội

    • Địa chỉ: cầu vượt Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội
    • Giờ mở cửa: 24/24

    3. Chùa Duyên Ninh - Ninh Bình

    cau-duyen-chua-duyen-ninh-ninh-binh
    (Nguồn ảnh: Chuyên Trang Du Lịch Ninh Bình)
    Truyền thuyết về sự linh nghiệm của Chùa Duyên Ninh bắt đầu từ thời Đinh - Tiền Lê. Ngôi chùa này từng là nơi se duyên cho Vua Lý Thái Tổ và hiền thê Lê Thị Phất Ngân - tức ái nữ của Vua Lê Đại Hành; về sau, Hoàng Hậu Phất Ngân đã đến đây tu hành và tác hợp cho nhiều đôi lứa hữu tình. Mặc dù hàng trăm năm đã trôi qua, Chùa Duyên Ninh vẫn là điểm đến được Phật Tử tứ phương tìm đến khi muốn cầu nguyện chuyện ái tình hay tìm kiếm may mắn đường con cái.  Chùa Duyên Ninh toạ lạc ở vị trí đắc địa, tựa lưng vào vách núi và hướng mặt về mỹ cảnh thiên nhiên hùng vỹ. Từ nơi đây, du khách có thể dễ dàng ghé thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng Ninh Bình như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Hoa Lư, Tam Cốc... 

    Chùa Duyên Ninh

    • Địa chỉ: Tràng An, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình
    • Giờ mở cửa: 06:00 - 18:00

    4. Chùa Thiên Mụ - Huế

    cau-duyen-chua-thien-mu-hue
    Gió đưa cành trúc la đà,
    Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
    Thuyền về xuôi mái sông Hương,
    Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay!
    Phải một lần tận hưởng cái thú tiêu dao miền sơn thuỷ, #teamKlook mới hiểu được vẻ đẹp của Chùa Thiên Mụ trong thơ ca là chẳng hề khoa trương. Địa danh này còn có tên Chùa Linh Mụ, ra đời dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng - vào năm 1601 - và cũng là ngôi chùa cổ xưa bậc nhất Cố Đô Huế. Nói về Chùa Thiên Mụ, người ta thường nghĩ ngay đến đến hình ảnh Tháp Phước Duyên cao 21 mét - bao gồm 7 tầng uy nghiêm thờ tượng Phật. Du khách có thể đi theo cầu thang hình xoắn ốc để lên được tầng tháp cao nhất; từ đó, hướng tầm nhìn bao quát về dòng Sông Hương trầm mặc xuôi dòng như thể đang chở nặng hồn thơ của hàng nghìn năm. Phần lớn khách du lịch chiêm bái Chùa Thiên Mụ là để tham quan nhưng cũng không ít người đến đây nhằm cầu an, cầu duyên hay cảm nhận không gian huyền bí hiếm có. 

    Chùa Thiên Mụ

    • Địa chỉ: đường Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
    • Giờ mở cửa: 8:00 - 18:00

    5. Chùa Lôi Âm - Quảng Ninh

    cau-duyen-chua-loi-am-quang-ninh
    (Nguồn ảnh: Báo Xây Dựng)
    Nếu có dịp đi du lịch Hạ Long, #teamKlook nhất định phải đến Chùa Lôi Âm (hay Linh Thứu Kỳ Sơn Lôi Âm Tự) để cầu duyên đấy. Tồn tại đã hơn nửa thế kỷ nhưng danh thắng này vẫn còn gìn giữ được vẻ đẹp trang nghiêm và bề thế - xứng đáng với mỹ danh "linh tự". Toạ lạc ở “Linh Thứu Kỳ Sơn” - cao hơn 500 mét so với mực nước biển - Chùa Lôi Âm được vây quanh bởi rừng thông bạt ngàn, đồng ruộng tươi tốt và sương mây giăng kín hữu tình. Vẻ đẹp kỳ vĩ đến xao xuyến ấy đã giúp Chùa Lôi Âm trở thành điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Đưa “nửa kia” đến Chùa Lôi Âm để chiêm ngưỡng tiên cảnh Vịnh Hạ Long là ý tưởng vi vu không tồi chút nào đâu!

    Chùa Lôi Âm

    • Địa chỉ: Đại Yên, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh
    • Giờ mở cửa: 24/24

    6. Chùa Ông - Thành Phố Hồ Chí Minh

    cau-duyen-chua-ong-tphcm
    (Nguồn ảnh: Wikipedia)
    Nằm ở quận 5 sầm uất, Chùa Ông (hay Nghĩa An Hội An, Miếu Quan Đế) là cái tên quen thuộc đối với #teamKlook Sài Thành. Khi đến đây, bạn sẽ được mục sở thị nét đẹp độc đáo trong kiến trúc, văn hoá và tôn giáo của người Hoa gốc Triều Châu. Chùa Ông chủ yếu thờ Quan Công - tức Quan Vũ, một danh tướng tài đức vẹn toàn thời Tam Quốc. Phía Bắc chùa có ba hội quán Phúc Châu, Quảng Đông, Triều Châu và miếu Quan Thánh. Vào các dịp lễ hội quan trọng, Chùa Ông sẽ diễn ra nhiều hoạt động thờ cúng, treo đèn, đua tranh... cực kỳ nhộn nhịp. 

    Chùa Ông

    • Địa chỉ: số 678, đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: 7h00 - 18h00

    7. Chùa Bà Ấn Độ - Thành Phố Hồ Chí Minh

    cau-duyen-chua-ba-an-do-tphcm
    (Nguồn ảnh: VNExpress)
    Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến như "khối rubic đa sắc màu", hội tụ nét đẹp văn hoá, lịch sử và tôn giáo từ nhiều vùng miền. Bằng chứng tiêu biểu nhất là Đền Bà Mariamman (hay Chùa Bà Ấn Độ) toạ lạc ngay trái tim thành phố. Từ phía ngoài, du khách dễ dàng nhận thấy những chi tiết đặc trưng của Hindu Giáo, ví dụ như lối kiến trúc hình chữ U hay loạt tượng thần được chạm trổ tinh xảo trên tháp và bờ tường. Vào 10 giờ sáng và 7 giờ  tối hàng ngày, ở Đền Bà Mariamman sẽ diễn ra lễ hiến tế bằng lửa nhằm cầu nguyện phước lành. #teamKlook có thể đến đây nhận lửa thần Agni để nguyện cầu cho tương lai phúc lộc an khang hay tình duyên tươi đẹp. 

    Chùa Bà Ấn Độ

    • Địa chỉ: số 47, đường Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: từ 9:00 – 20:00 hằng ngày

    8. Chùa Ngọc Hoàng (Chùa Phước Hải) - Thành Phố Hồ Chí Minh

    cau-duyen-chua-ngoc-hoang-tphcm
    (Nguồn ảnh: VNExpress)
    Sẽ là thiếu sót lớn nếu vắng mặt Chùa Ngọc Hoàng trong danh sách các ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở Việt Nam. Nằm giữa trung tâm quận 1, thành phố Hồ Chí Minh chính là ngôi linh tự dịu dàng sắc cam đỏ, nổi bật bởi cổng Tam Quan uốn lượn tạo hình "Lưỡng Long Tranh Châu". Chùa Ngọc Hoàng còn có tên gọi khác là Phước Hải Tự, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX - chủ yếu để thờ cúng Ngọc Hoàng cùng nhiều vị thần trong tín ngưỡng người Hoa. Sở hữu diện tích trên dưới 2.300 mét vuông, Chùa Ngọc Hoàng còn là không gian nghệ thuật ấn tượng với kho tàng tượng thờ, tranh thờ, liễn đối, hương án, bao lam, đèn lồng... ấn tượng. Bên cạnh cầu duyên, #teamKlook cũng có thể đến đây để tận hưởng không gian thiền tịnh hay phóng sinh ở bể cá, bể rùa bên trong chùa. 

    Chùa Ngọc Hoàng 

    • Địa chỉ: 73 Đường Mai Thị Lựu, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: từ 7h đến 17h30 tất cả các ngày trong tuần

    9. Chùa Bát Bửu Phật Đài (Chùa Phật Cô Đơn) - Thành Phố Hồ Chí Minh

    cau-duyen-chua-phat-co-don
    (Nguồn ảnh: Phật Tử Việt Nam)
    Tuy không sở hữu diện tích "khủng" nhưng mỗi gốc ngóc ngách của Chùa Bát Bửu Phật Đài đều mang đến cảm giác thư thái cho người đến thăm viếng. Thành lập vào năm 1956 với mục đích làm chốn nương tựa tâm linh cho Phật Tử, Chùa Bát Bửu Phật Đài được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân thương Chùa Phật Cô Đơn. Nguyên nhân là vì bên trong chùa có tượng Bát Bửu Phật Đài cao trên dưới 10 mét, bao gồm Phật Đài và tượng Đức Phật Thích Ca. Từ những ngày mới thành lập, Chùa Phật Cô Đơn đã sở hữu một nhánh cây bồ đề có nguồn gốc từ đại thọ bồ đề ở Ấn Độ, củng cố niềm tin về sự linh thiêng và uy nghiêm của chùa. 

    Chùa Bát Bửu Phật Đài (Chùa Phật Cô Đơn)

    • Địa chỉ: số 22, Mai Bá Hương, Lê Minh Xuân, Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: 5:00 – 21:00 tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến Chủ nhật

    10. Tu Viện Khánh An - Thành Phố Hồ Chí Minh

    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nguồn ảnh: Phatgiao.org
    Tu viện Khánh An đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho giới trẻ với sức mê hoặc đặc biệt. Dù nằm ở vùng ngoại ô, nhưng không bao giờ thiếu người đến đây để thắp hương và tìm cầu duyên. Đông đảo các bạn trẻ đến đây không chỉ mong muốn xin duyên "thoát ế" nhanh chóng, mà còn để khám phá vẻ đẹp ẩn chứa nét truyền thống của Nhật Bản qua kiến trúc của tu viện.
    Với một bầu không gian yên bình và thanh tịnh, tu viện khéo léo kết hợp với thiết kế kiến trúc Nhật Bản tinh tế, mang đến một cảm giác thanh thản và bình an. Đó cũng là lý do tại sao nơi đây thu hút không chỉ những người muốn cầu duyên, mà còn là những người tìm kiếm một chốn an nhiên để thoát khỏi sự ồn ào và xô bồ của cuộc sống đô thị.

    Tu viện Khánh An

    • Địa chỉ: số 3D QL1A, An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: 5:00 - 12:30 và 1:30 - 20:30 tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến Chủ nhật

    11. Chùa Bà Thiên Hậu - Thành Phố Hồ Chí Minh

    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nguồn ảnh: VnExpress
    Trong những dịp đặc biệt như ngày rằm, mùng một và nhất là những ngày đầu xuân, chùa Bà Thiên Hậu trở thành điểm đến thu hút đông đảo thanh niên nam thanh nữ tú tìm đến để thăm viếng và xin lộc cầu duyên.
    Tại chùa Bà Thiên Hậu, những tín đồ trẻ tin rằng sức mạnh từ lòng hiếu hạnh và lòng nhân ái rộng lớn của Thánh Mẫu Thiên Hậu sẽ đáp lại mọi lời cầu nguyện và thỉnh cầu của họ. Với hy vọng tìm được sự may mắn trong tình duyên và gặp gỡ người đặc biệt trong đời, hàng trăm bạn trẻ đổ về chùa Bà Thiên Hậu mỗi ngày.

    Chùa Bà Thiên Hậu

    • Địa chỉ: 710 Đ. Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: 6:00 - 11:30 và 113:00 - 16:30 mỗi ngày

    12. Chùa Bửu Long - Thành Phố Hồ Chí Minh

    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nguồn ảnh: VnExpress
    Bửu Long không chỉ là một ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở Sài Gòn, mà còn là một tác phẩm kiến trúc độc đáo và đẹp mắt. Với khuôn viên rộng lớn và cảnh quan xanh mướt, chùa tạo ra một không gian yên bình và tĩnh lặng cho những người đến thăm.
    Chùa Bửu Long không chỉ là điểm đến để giới trẻ cầu duyên và tìm vận may trong tình yêu, mà còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho việc chụp ảnh, check-in và sở hữu những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
    Người trẻ đến chùa Bửu Long không chỉ để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp mà còn để truyền tải thông điệp về tình yêu, sự thanh thản và hòa hợp với thiên nhiên. Những bức ảnh tại chùa Bửu Long không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng một phần của trái tim và tinh thần của người chụp.

    Chùa Bửu Long

    • Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, Long Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
    • Giờ mở cửa: 8:00 - 18:00

    13. Phủ Tây Hồ - Hà Nội

    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nguồn ảnh: VnExpress
    Phủ Tây Hồ đã được thành lập để tôn vinh Liễu Hạnh công chúa - một phụ nữ tài năng và đức độ, được coi là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Hàng năm, từ khắp nơi trên thế giới, du khách đến đây để tham dự lễ hội, tìm sự an lành và cầu xin may mắn trong cuộc sống.
    Mọi người có những lý do khác nhau khi đến Phủ Tây Hồ. Có người cầu công danh, thành công trong sự nghiệp, còn người khác đến để cầu duyên, tìm kiếm hạnh phúc và tình yêu. Có những bạn trẻ đến để tìm thêm niềm vui và sự hòa hợp trong tình yêu, còn những người cô đơn hy vọng sớm tìm thấy người đồng hành trong cuộc sống.

    Phủ Tây Hồ

    • Địa chỉ: 52 P. Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
    • Giờ mở cửa: 5:00 - 19:00 hàng ngày

    14. Am Mị Nương - Chùa Cổ Loa - Hà Nội

    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nguồn ảnh: Báo Hòa Bình
    Trong lòng chùa Cổ Loa ở Hà Nội, có một am nhỏ mang tên Am Mỵ Nương. Am này được trang trí rất tinh xảo và sang trọng, và chứa một bức tượng thiêng không đầu, tưởng nhớ công chúa Mị Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội khi xưa. Truyền thuyết về tình yêu sắt son và lòng chung thủy giữa Mỵ Nương và Trọng Thủy đã khiến nhiều người cảm động sâu sắc và tin rằng viếng thăm nơi này sẽ thuận lợi cho tình duyên của họ.
    Am Mỵ Nương đã trở thành một điểm đến đặc biệt và được người dân truyền tụng như một nơi có khả năng linh ứng trong việc cầu duyên và mang lại hạnh phúc cho gia đình. Người ta tin rằng khi đến Am Mỵ Nương với tấm lòng chân thành và sự tôn trọng, những lời cầu nguyện và ước vọng sẽ được lắng nghe và đáp lại.

    Am Mị Nương

    • Địa chỉ: Xã Cổ Loa, Huyện Đông Anh, Hà Nội
    • Giờ mở cửa: 06:30-18:00
    • Vé vào cửa: 10.000 đồng/người/lượt

    15. Chùa Láng - Hà Nội

    chua-cau-duyen-noi-tieng
    Nguồn ảnh: Báo Hòa Bình
    Là một biểu tượng văn hóa lâu đời, Chùa Láng đậm đà lịch sử và tâm linh, thu hút sự chú ý của nhiều người. Nơi này không chỉ được biết đến là một ngôi chùa cổ ấn tượng ở Hà Nội, mà còn được coi là nơi cầu duyên linh thiêng nhất trong vùng đất Kinh Kỳ.
    Không chỉ có người già truyền thống, mà cả giới trẻ cũng đổ về Chùa Láng với niềm tin rằng nơi đây mang đến may mắn và hạnh phúc. Những bạn trẻ đến đây không chỉ để cầu duyên, mà còn để tìm kiếm sự an lành, cảm nhận không gian tĩnh lặng và nạp năng lượng tích cực.
    Cảnh quan của Chùa Láng rất thu hút và độc đáo, với kiến trúc cổ kính và không gian thanh tịnh. Các bạn trẻ tìm đến đây không chỉ để cầu duyên, mà còn để tìm thấy sự yên bình, lắng đọng trong tâm hồn. Chùa Láng trở thành một điểm đến tuyệt vời để thoát khỏi sự ồn ào và hối hả của cuộc sống hàng ngày và tìm lại sự cân bằng và tĩnh lặng bên trong mình.

    Chùa Láng

    • Địa chỉ: 116 P. Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
    • Giờ mở cửa: 8:30 - 20:00 hàng ngày
    Dù có muốn cầu duyên hay không, chuyến hành hương đến các ngôi chùa nổi tiếng cũng là trải nghiệm đáng thử - giúp bạn tìm chút khoảng lặng đằng sau cuộc sống thường nhật nhộn nhịp. Đây cũng là gợi ý vi vu tuyệt vời nếu bạn muốn đi du lịch cùng ba mẹ hoặc người lớn tuổi đấy. 
    Đừng quên ghé thăm Blog Klook để khám phá thêm những ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng ở miền Nam, hay tìm hiểu thêm những ngôi chùa nổi tiếng tại Sài Gòn như Chùa Giác Lâm, Chùa Ngọc Hoàng, Chùa Vĩnh Nghiêm,... để làm phong phú hơn cho hành trình an yên của mình nhé!
    Bạn chọn ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng nào để “giải lời nguyền cô đơn”?
    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: