• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • Kinh Nghiệm Leo Núi Mùa Hè Nắng Nóng Mà Bạn Cần Biết

    Klook Team
    Klook Team
    Last updated 9/6/2020
    leo-nui
    Leo núi mùa nắng nóng khó hay dễ? Tham khảo ngay vài mẹo vặt leo núi hay ho trong bài viết này, #teamKlook nhé. 
    Mùa khô là thời điểm tuyệt vời để chinh phục các vách đá dựng đứng, thư giãn cạnh hồ nước màu xanh ngọc lục bảo hay check-in cùng khung cảnh hữu tình trên đỉnh núi. Kế hoạch leo núi hay trekking cùng nhóm bạn thân cũng vì thế mà càng thêm hứng khởi. Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng kéo dài cũng là vấn đề đáng để cân nhắc; bởi vì nếu không chuẩn bị cẩn thận, bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hay thậm chí là chấn thương không đáng có.

    Dưới đây là một vài mẹo vặt hữu ích khi đi trekking, leo núi vào mùa nắng nóng, bao gồm: 

    • Lên kế hoạch: nên đi leo núi ở đây và khi nào là lý tưởng nhất. 
    • Chọn quần áo, trang bị: trang phục giúp bạn cảm thấy thoải mái xuyên suốt hành trình. 
    • Chăm sóc sức khoẻ: tránh bị cháy nắng, mất nước, hạ natri máu, chuột rút, say nắng và sốc nhiệt. 

    Leo núi mùa nắng nóng - một vài mẹo vặt khi lên kế hoạch

    Lựa chọn thời gian và địa điểm leo núi là bước đầu tiên khi lên kế hoạch hành trình. Cơ thể cần từ mười ngày đến hai tuần để thích nghi với nhiệt độ cao. Do đó, nếu là lần đầu đi leo núi, trekking vào mùa hè thì bạn hãy ưu tiên những cung đường ngắn thôi nhé. 

    1. Chọn thời gian khởi hành

    leo-nui
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Tránh đi vào buổi trưa: thời điểm nóng nực nhất trong ngày thường là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Bạn nên khởi hành vào buổi sáng để đến nơi vào buổi trưa hay đi sau 3 giờ chiều. Nếu vì lý do bất khả kháng nên không thể thay đổi giờ khởi hành, hãy chọn cung đường ven suối hay có nhiều bóng mát cây xanh, hồ nước…. 
    Đừng ngại leo núi vào ban đêm: vào những ngày nắng nóng cao điểm, hành trình leo núi vào ban đêm là ý tưởng không tồi chút nào đâu. Để đảm bảo an toàn khi đi trekking buổi tối, bạn hãy thuê hướng dẫn viên người địa phương hoặc rủ rê “thổ địa” đi cùng nhé. 

    2. Chọn địa điểm leo núi 

    leo-nui
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Đi dưới bóng râm: thảm xanh tự nhiên phong phú cùng hàng loạt vách đá cao vun vút sẽ là “lá chắn” hoàn hảo dành cho bạn trước tổn hại của tia UV. 
    Ưu tiên cung đường cận thuỷ: các địa điểm trekking ở gần biển, sông, suối hay hồ nước không chỉ đẹp lung linh mà còn mang đến luồng không khí mát mẻ cực “chill”. Nếu đi trekking dọc theo đường sông, bạn hãy thường xuyên nhúng áo, nón, khăn rằn rồi đắp lên người để hạ nhiệt cấp tốc cho cơ thể nhé. 
    Chưa chọn được điểm khởi hành ưng ý? Tham khảo ngay các địa điểm leo núi gần Sài Gòn nhé!

    Cách chọn quần áo và trang bị khi đi trekking vào mùa hè

    leo-nui
    Nguồn ảnh: Unsplash

    1. Lưu ý chất liệu quần áo

    Bạn nên chọn trang phục có chất liệu mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt để cơ thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ. Hãy nói “xin chào” với nylon và polyester nhé. Quần áo có sắc màu tươi sáng sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời thay vì hấp thụ nhiệt, tạo cảm giác mát mẻ. Áo sơ mi, quần short hay quần kaki màu trắng hoặc nâu đều là lựa chọn tuyệt vời. 
    Quần áo bằng cotton chẳng mấy được lòng giới trekker (người thường xuyên trekking, đi bộ đường dài). Chất liệu này hút ẩm nhanh nhưng lại lâu khô, bám vào cơ thể gây khó khăn khi di chuyển. Tuy nhiên, trong những ngày khô nóng thì tính giữ nước của cotton sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Nếu dự định cắm trại qua đêm, bạn nhớ mang theo quần áo để thay và chọn sợi tổng hợp thay vì cotton nhé. 

    2. Mua trang phục chuyên dụng

    trekking
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Hầu hết thương hiệu đồ thể thao đều bán trang phục dành riêng cho hoạt động trekking, leo núi, thường có độ bền cao cùng lỗ thông khí thông minh. #teamKlook hãy chọn sản phẩm có đi kèm với thông số UPF 15, UPF 30 hoặc UPF 50+ - chỉ loại quần áo có khả năng chống lại tia UV của mặt trời ở mức độ nhất định. Bên cạnh quần áo cơ bản thì áo khoác cũng rất cần thiết đối với người có làn da nhạy cảm, vừa tăng thêm một lớp chống nắng, vừa tránh bị cây cối quẹt trầy xước hoặc côn trùng cắn. 

    3. Đội nón (mũ)

    Chắc chắn bạn sẽ không muốn bị say nắng khi đang ở giữa chốn núi rừng hoang sơ đâu. Hãy “thủ” sẵn một chiếc nón rộng vành nhé. 

    4. Bảo vệ cổ bằng khăn 

    Thấm ướt một chiếc khăn bandana sáng màu rồi quấn quanh cổ; khi hơi nước bốc lên, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái xuyên suốt hành trình. Trên thị trường hiện đang bán loại khăn bandana có chứa polyme tinh thể lỏng, có thời gian làm mát lâu hơn khăn vải bình thường. 

    5. Mang vớ (tất) vừa chân 

    Vớ quá rộng có thể ma sát khiến chân bị phồng rộp. Trong khi đó, vớ quá chật lại tạo ra các điểm làm tăng áp lực, gây đau chân và dễ bị trượt. Tốt nhất là bạn hãy chọn vớ thật vừa chân, làm từ len hoặc sợi tổng hợp (tránh xa cotton) nhé. 

    6. Trang bị thêm túi nước uống

    trekking
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Hành trang đi khi leo núi thường khá cồng kềnh. Sẽ rất tốn sức nếu bạn cứ phải nâng lên, hạ xuống hàng chục ký hành lý chỉ để uống nước. Do đó, hãy mua thêm túi nước uống (có thể đặt trong ngăn riêng, sát lưng ba-lô leo núi chuyên dụng) để có thể uống nước từ vòi mọi lúc, mọi nơi.

    Các lưu ý về sức khoẻ khi đi leo núi vào mùa hè

    Cháy nắng, mất nước, chuột rút, kiệt sức và say nắng là một số vấn đề sức khỏe thường gặp khi đi trekking. 

    1. Cháy nắng 

    leo-nui
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Bên cạnh quần áo chắn tia UV, bạn nên dùng kem chống nắng để tránh tình trạng da bị bỏng nắng đau rát. Nếu hành trình kéo dài hơn 2 giờ, hãy chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở nên. Thoa kem chống nắng ít nhất 15 phút trước khi khởi hành. Hãy thoa lại kem chống nắng 2 tiếng một lần, sau khoảng 40-80 phút đi bộ hoặc ngay sau khi bơi lội. 

    2. Mất nước

    Uống đủ nước là điều rất quan trọng khi đi trekking, leo núi trong mùa hè. Mất nước có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và dẫn đến nhiều phản ứng nguy hiểm khác như chuột rút, sốc nhiệt, kiệt sức và say nắng. 
    leo-nui
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Nên uống bao nhiêu nước khi leo núi? Điều này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như nhiệt độ, độ ẩm, tuổi tác, tình trạng cơ thể, độ khó và thời gian hành trình. Trung bình một người cần uống nửa lít nước mỗi giờ, trong điều kiện vận động vừa phải và nhiệt độ không quá cao hay quá thấp. Trên cơ sở đó, bạn hãy điều chỉnh lượng nuớc nạp vào sao cho phù hợp. 
    Nếu đi trekking cùng với thú cưng (ví dụ như chó) thì bạn nhớ mang theo phần nước lẫn tô uống nước cho "boss" luôn nhé. 

    3. Hạ Natri máu

    Trái ngược với mất nước chính là hạ natri máu (hay thừa nước). Đây là tình trạng khá hiếm gặp, thường chỉ xảy ra với người vận động liên tục ở cường độ cao như tuyển thủ marathon, siêu marathon hay ba môn phối hợp. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cẩn thận với chứng hạ natri máu khi đi bộ đường dài. 
    Các triệu chứng của hạ natri máu khá giống với mất nước: mệt mỏi, đau đầu và buồn nôn. Điều này khiến một số người nhầm tưởng và uống thêm nước, khiến tình trạng càng tồi tệ hơn. Ở các ca nặng, hạ natri máu có thể gây hôn mê và thậm chí là tử vong. 
    Để ngăn chặn hạ natri máu, bạn nên theo dõi lượng nước nạp vào trong chuyến đi. Chỉ uống nước sau mỗi 15 - 20 phút, mỗi lần một vài ngụm và không uống nhiều nước hơn lượng mồ hôi thoát ra. Bạn cũng có thể thêm một ít muối vào nước lọc hoặc mang theo nước uống thể thao để cân bằng điện giải, nạp năng lượng bằng bánh quy, viên muối.... 

    4. Chuột rút 

    trekking
    Nguồn ảnh: Unsplash
    Chuột rút do nhiệt là tình trạng co rút cơ bắp, thường gặp khi vận động cường độ cao dưới thời tiết nóng. Bạn nên xem đây là tín hiệu báo động khi cơ thể đã gần đạt đến giới hạn và cần được nghỉ ngơi. Uống nước cũng là cách hạn chế chuột rút hiệu quả. Khi bị chuột rút, bạn có thể  thực hiện một số động tác massage, kéo giãn cơ nhẹ nhàng để giảm đau. 

    5. Say nắng

    Cơ thể con người thường khá "yếu đuối" trước áp lực nhiệt. Say nắng là điều không thể tránh khỏi khi bị mất nước hay tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài. Một vài triệu chứng của say nắng có thể kể đến là đổ mồ hôi, mạch đập nhanh, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu hay ngất. Khi gặp phải các triệu chứng kể trên, bạn cần nhanh chóng tìm chỗ có bóng râm để nằm nghỉ, cởi bớt quần áo và dùng bạt (nếu có) để che nắng. Uống thật nhiều nước và cả muối để bổ sung điện giải. Nếu đang ở gần nguồn nước, hãy làm ướt khăn hoặc nón rồi đắp lên người để hạ nhiệt. 

    6. Sốc nhiệt

    Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng vọt qua mức 40 độ C, đi kèm với tổn thương chức nội tạng và rối loạn chức năng thần kinh. Một số triệu chứng của sốc nhiệt là đau đầu dồn dập, chóng mặt, buồn nôn, nôn, mất phương hướng, mất nhận thức, lo lắng quá độ, sốt trên 40 độ C. Khi bị sốc nhiệt, người bệnh cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức. Bạn có thể sơ cứu cho người bị sốc nhiệt bằng các phương pháp sau. 
    • Đưa người bệnh vào bóng râm, nơi mát mẻ, cởi bớt quần áo, quạt hoặc vẩy nước lên người. 
    • Có thể đưa người bệnh ngâm mình dưới nước mát, tránh tụ tập xung quanh để giữ không khí thoáng mát. 
    • Cho người bệnh uống nước. 
    • Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. 

    Làm thế nào để tránh say nắng và sốc nhiệt khi đi leo núi mùa hè?

    trekking
    Nguồn ảnh: Unsplash
    • Chọn tuyến đường trekking, leo núi phù hợp với thể lực. 
    • Rèn luyện thể lực với cường độ tăng dần vào 10 ngày đến 2 tuần trước khi khởi hành. 
    • Uống đủ nước - trung bình nửa lít mỗi giờ và thay đổi tuỳ theo độ khó của hành trình. 
    • Chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, rộng rãi. Hạ nhiệt cơ thể thường xuyên bằng nón hoặc khăn bandana thấm nước.
    • Nghỉ ngơi trong bóng mát khi cần. 

    Click Để Tải Ứng Dụng Klook Ngay Hôm Nay!

    Có tận 1001 lý do để bạn tham gia ứng dụng Klook ngay và luôn. Hãy cùng mở khoá các ưu đãi độc quyền dành cho người dùng App, đọc thêm tin tức hấp dẫn và kết nối với các #teamKlook cùng sở thích nhé.
    Leo núi vào mùa nắng nóng an toàn và hào hứng hơn với các mẹo vặt từ Klook. Bạn dự định chinh phục đỉnh Fansipan hay đi leo núi Bà Đen? Chia sẻ kinh nghiệm leo núi hay ho với Klook Vietnam. Cũng đừng quên thường xuyên ghé thăm trong Blog của Klook để cập nhật thông tin hữu ích về cuộc sống và du lịch Việt Nam tự túc nhé. 
    Nguồn: rei.com
    Trên tay kinh nghiệm leo núi mùa nắng nóng, hãy tự tin lên đường bạn nhé.
    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: