• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • Hành trình khám phá Đài Loan – Hòn ngọc xinh đẹp của châu Á

    Klook Team
    Klook Team
    Last updated 14/3/2020
    hanh trinh kham pha dai loan hon ngoc xinh dep cua chau a 0
    Bài dự thi Cuộc thi viết và chia sẻ về du lịch “Tự Do Khám Phá – Theo cách bạn muốn” của bạn Bình Phú, chia sẻ kinh nghiệm du lịch tự túc Đài Loan của mình.
    – – – – –
    Đài Loan – Hòn ngọc xinh đẹp của châu Á, thu hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt kết hợp với những công trình kiến trúc độc đáo. Mỗi du khách có dịp ghé thăm đều không khỏi luyến tiếc khi rời đi. Du lịch Đài loan 4 mùa đều đẹp, không phải lo nóng chảy mồ hôi hay rét run cầm cập. Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 4, tiết trời mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ khoảng 17° C đến 25° C là mùa của các lễ hội Đài Loan. Mùa thu xứ Đài cũng đẹp lắm, khoác lên mình bộ cánh vàng rực xen kẽ bởi tán lá phong đỏ, có lẽ đây là mùa đẹp nhất để đi du lịch.
    Trước khi lên lịch trình đi mình xin giới thiệu những ứng dụng trên điện thoại cần có để đi khắp Đài Loan như : Google translate, Google Maps, XE – Currency Converter, GO! Taipei Metro, Ubike, Line, Klook.
    Sau hành trình bay hơn 3 giờ đồng hồ chúng tôi đáp xuống sân bay Đào Viên, khi xuống sân bay chúng tôi sẽ phải điền vào form nhập cảnh, qua cửa hải quan rồi thì có thể ra mua sim 4G dùng trong khoảng 1 tuần ở đây. 
    Phần combo này có cả thẻ Easy Card – kinh nghiệm du lịch Đài Loan tự túc là ngay khi đến Đài Loan, bạn nên mua thẻ Easy Card. Thẻ này bạn có thể dùng để trả tiền MRT, xe bus, tàu cao tốc và một số siêu thị 7- Eleven. Bạn có thể nạp thêm tiền vào thẻ bằng các máy nạp trong khu vực các nhà ga của Đài Bắc. Thẻ này nếu còn dư tiền sẽ được hoàn lại cho bạn tại quầy thông tin của các ga tàu. Đặc biệt: Nếu sử dụng Easycard đi xe city bus ở Taichung (Đài Trung) trong bán kính 10km kể từ lúc quẹt thẻ lên xe thì bạn sẽ được HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ.

    Từ sân bay Đào Viên (Taoyuan airport) vào trung tâm Đài Bắc (Taipei Main Station)

    1. Nếu bạn đi xe bus Taoyuan airport về trung tâm Taipei
    Nếu bạn bay Vietjet Air, thì sẽ hạ cánh ở Terminal 1. Chú ý biển hiệu và tìm quầy vé bus theo chỉ dẫn (ticket counter). Tại quầy vé thông tin có các bảng chỉ dẫn về các chặng đi từ Sân bay, thông thường bạn sẽ về 2 điểm ở trung tâm Taipei là :
    + Đi về Taipei main station (ga trung tâm) , gía vé từ 125 tệ – bạn cần tới quầy vé số 7 Kuo-kuang để mua vé/ thời gian xuất bến khoảng 15 phút / chuyến
    + Đi về Bến xe bus miền tây Taipei (taipei west bus station) , bạn ra quây số 3 – Citiair Counter, giá vé 90 đài tệ.
    Tùy vào địa điểm xuống ở Taipei mà bạn lựa chọn chuyên xe bus cho đúng nhé. trước khi lên xe bạn lưu ý để ý các biển báo chuyến xe ngay trên thành xe nhé, để tránh đi nhầm xe. Cũng như để ý số hiệu chuyến xe, đi cho đúng. Mình khuyên bạn nên đi xe Kuo-kuang để về trung tâm Taipei. Sau khi mua vé bạn ra sảnh đón xe, nhớ số hiệu xe là 1819 – và đợi ở Ô số 5. Xe có khoang để hành lý thoải mái và chia theo Terminal, khi mang hành lý vào cốp, phụ xe sẽ hỏi bạn đi Terminal mấy, hoặc đã xuống từ Terminal nào?
    * Chiều xe Taipei đi sân bay Taoyuan
    Trước đây để bắt xe từ Taipei đi sân bay Đào Viên (Taoyuan) các bạn sẽ ra bến xe Taipei west bus station, sau đó bắt xe Kou-Kuang 1819 theo chiều ngược lại đi sân bay. Tuy nhiên từ 30/10/2016 thì bến xe Taipei west bus station bắt đầu sửa chữa, nên các hãng xe hoạt động tại đây có sự phân chia đến các trạm xung quanh. Để bắt xe Kou-kuang đi sân bay bạn tới Taipei Main Station, ra Exit 3 East (cửa phía Tây số 3, chỗ có cái Lều và xe ô tô đang đỗ). Chỗ này cũng chính là chỗ Xuống xe lúc từ Sân bay về tới Taipei.
    2. Đi MRT
    Vừa khai trương được 8 tháng, MRT Airport line màu tím là phương tiện công cộng khác di chuyển từ sân bay đến trung tâm Taipei (và ngược lại) rất dễ dàng. Điểm buồn phiền duy nhất là khuôn viên của ga MRT khá rộng, và không nằm chung toà nhà với trạm MRT Taipei Main Station thông thường (mà cái trạm Taipei Main Station thông thường này vốn đã rộng và đông khủng khiếp), do đó những bạn có hành lý cồng kềnh thì sẽ vất vả đấy. Vé chua hơn xe bus 1 tẹo, nhưng hẳn là nhanh hơn 1 tí: 160TWD/người và thời gian tổng cộng là 40 phút. 
    3 . Nếu đi Đi Tàu điện cao tốc về Taipei
    Tại sân bay không có ga tàu điện về trung tâm Taipei. Bạn phải đi xe trung chuyển (Shuttle bus hãng UBus) để tới Ga tàu cao tốc Taoyuan station THSR.
    Từ sân bay bạn ra Ticket bus counter – mua vé shuttles bus loại Ubus tại quầy vé: UBUS service counters at Arrivals Lobby of Terminals 1 and 2. thời gian đi bus trung chuyên 25 phút. Vé chiều đi từ Taoyuan station mua tại THSR Taoyuan Station: platform 1 at bus depot. Giá vé 30 đài tệ
    Tại Ga tàu cao tốc Taoyuan Station: mua tiếp vé về Taipei / Tàu điện nhanh về trung tâm taipei khoảng 20 phút, giá vé tùy vào thời điểm bạn đi, đôi khi có cả vé promotion, giao động từ 125 tệ – 160 tệ.
    Cách này không phù hợp đi Taipei nhưng lại cực kỳ thuận tiện cho việc di chuyển xuống Tai Chung (Đài Trung) & Cao Hùng. Các bạn có thể tới Taoyuan Station và mua vé đi Đài trung, Cao hùng 1 cách dễ dàng và thuận tiện.
    4. Taxi
    Ở Taiwan, Taxi 4 chỗ sẽ chở tối đa 3 khách và taxi 7 chỗ thì chở tối đa 4 khách (do khoang ghế đằng sau sẽ được tháo ra làm chỗ để hành lý). Lưu ý nhẹ là tài xế taxi ở Đài không nói tiếng Anh tốt, nên các bạn nên chuẩn bị sẵn địa chỉ khách sạn (tốt nhất bằng tiếng Trung) để không phải vất vả giao tiếp.
    Từ sân bay Taoyuan đến trung tâm Taipei giá thông thường là 1400NT/xe (khoảng 45usd/xe). Có thể đón taxi ở cửa ra Arrival hall.
    5. Thuê Xe Đưa Đón Tại Sân Bay Đào Viên (TPE) Đến Đài Bắc
    Nếu bạn đi nhóm và muốn đi lại dễ dàng và tiện lợi có thể tham khảo thuê xe riêng tại Klook.

    VỀ CHI PHÍ VISA

    Khác với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bạn phải làm thủ tục xin visa khi đến Đài Loan. Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu bạn đã từng đến các nước Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Úc, New Zealand và visa Schengen châu u (bao gồm cả thẻ định cư) sẽ được miễn thị thực. Thời gian lưu trú trong thời gian 15 ngày, với điều kiện phải đăng ký trên mạng để được xét duyệt, sau khi được chấp thuận mới có thể làm thủ tục lên máy bay và nhập cảnh Đài Loan.
    Bạn có thể tham khảo thêm thông tin sau của Klook: Hướng dẫn xin visa không qua dịch vụ và Xin visa Đài Loan không hề khó

    VÉ MÁY BAY

    Một chuyến du lịch Đài Loan tự túc, chiếc “bao tử” của bạn sẽ dễ chịu hơn nếu vé máy bay giá tốt. Hiện tại do Đài Loan là một điểm du lịch khá hot nên các hãng máy bay mở chuyến đi Đài cũng khá nhiều. Các bạn có thể tha hồ chọn: Vietnam Airline, Uni Airline, Eva Airline, Vietjet, v.v… tuỳ vào hầu bao mà các bạn lựa chọn hãng bay cho hợp lý. Trung bình giá vé khứ hồi cho một chuyến đi chỉ dao động từ 3.5 – 4 triệu đồng, nếu so sánh với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì rẻ hơn rất nhiều. Bí quyết vàng, lên kế hoạch sớm và săn vé giá rẻ nhé!

    ĐỔI TIỀN

    Đơn vị tiền tệ của Đài Loan là Đô La Đài Loan. Bạn có thể mua $ Đài Loan ở các điểm giao dịch ngoại tệ như Hà Trung, nhưng tỷ giá nhìn chung khá cao, tầm 1$ NT ~ 700-730đ. Thực ra thì bạn cũng không nên đổi quá nhiều, sang bển gần như chỗ nào cũng có thể thanh toán thẻ, chỉ có mua vé tàu ở ga địa phương nhỏ, ăn uống đường phố họ mới không chấp nhận thẻ thôi. Chi tiêu ở Đài Loan đắt hơn mức trung bình của Đông Nam Á một chút.
    Ngoài ra bạn có thể mang USD từ nhà qua Đài Loan nếu có sẵn, đổi ở sân bay hoặc các ngân hàng có niêm yết tỷ giá rõ ràng, một số ngân hàng có thể tham khảo như Chinatrust, Bank of Taiwan, Mega Bank.

    ĐỒ ĂN Ở ĐÀI

    Người Đài Loan ăn rất nhạt, nhấn mạnh là thực sự nhạt luôn ý. Các món thường sẽ là mỳ với nước ninh xương, sủi cảo, v.v… được chế biến kiểu Hoa rất nhiều dầu mỡ, kể cả món luộc luôn. Ở Đài Loan không dùng nước mắm như mình mà sẽ dùng xì dầu cũng không đậm đà lắm. Những bạn nào quen ăn những món chế biến đậm đà như món Việt hay Thái thì đến Đài Loan có thể sẽ hơi khó ăn 1 chút. Với lại ở Đài rau cỏ rất đắt đỏ, chỉ có 1 cọng rau xanh xanh tổ điểm trên bát mỳ là chuyện rất ư là bình thường mà thường sẽ có thêm vài món đồ chua ăn kèm. Vậy nên team_healthy, team mê rau nhớ chuẩn bị tinh thần một chuyến du lịch đẫm đạm và tinh bột nhé.

    AN NINH

    Hệ thống camera của Đài Loan được phủ kín khắp nơi. Chúng tôi rất ít thấy cảnh sát trên đường phố. Cô bạn sống 20 năm ở Đài Loan nói rằng, nếu xãy ra tình trạng an ninh trật tự hoặc tai nạn giao thông, cảnh sát chỉ cần trích xuất dữ liệu từ các máy camera để tìm ra thủ phạm.

    Ổ CẮM ĐIỆN

    Ổ cắm điện ở Đài Loan chỉ có 2 loại: 2 chân dẹt hoặc chạc ba, khá khác với chân cắm tròn như ở Việt Nam, các bạn lưu ý để mang theo đúng đầu sạc nhé. Nếu có lỡ quên cũng không sao, phi ra 7- Eleven lúc nào cũng có sẵn.

    KHÁM PHÁ ĐÀI BẮC – THÀNH PHỐ HIỆN ĐẠI BẬC NHẤT ĐÀI LOAN

    NGÀY 1 :

    LongShan Temple (Long Sơn Tự) đền thiêng nhất Taipei (Đài Bắc)
    MRT Longshan Temple
    Chùa Long Sơn ngay trạm MRT Longshen: một danh lam thắng cảnh nổi tiếng cổ kính ở phía Tây Nam thành phố Đài Bắc. Chùa được xây dựng từ thời vua Càn Long, đời Thanh (1738), chủ yếu phụng thờ Quan Thế m Bồ Tát. Từ thời xa xưa, nơi đây cũng là một trung tâm chỉ huy mọi việc lớn nhỏ của người dân địa phương, là nơi hội tụ tín ngưỡng của cư dân quanh vùng, đồng thời cũng là nơi được phát triển sớm nhất của thành phố Đài Bắc.
    Tới nay, Long Sơn tự vừa trở thành một nơi thờ cúng tâm linh của người dân thập phương, vừa là một địa điểm danh thắng không thể thiếu của các tour du lịch đến xứ Đài. Trải qua hơn 280 năm lịch sử, Long Sơn tự được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn giữ được nét kết cấu hình chữ Hồi – đây là bố cục được coi trọng và tôn kính nhất trong các miếu mạo chùa chiền truyền thống của người Hoa.
    Chiang Kai-Shek Memorial Hall (Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch)
    MRT Chiang Kai-shek Memorial Hall
    Chiang Kai Shek Memorial Hall là một trong những di tích quan trọng nhất tại Đài Loan, được xây dựng vào năm 1976 để kỷ niệm cuộc đời của Chiang Kai Shek – cựu Tổng thống nước Cộng hòa Trung Quốc. Chiang Kai Shek Memorial Hall chính thức khai trương và mở cửa cho công chúng vào năm 1980.
    Tọa lạc tại thành phố Đài Bắc, đài tưởng niệm Chiang Kai Shek được xây dựng bên trong một phức hợp có tường bao quanh, được gọi là Quảng trường Tự do với cảnh quan độc đáo vườn, ao và lối đi. Đài tưởng niệm được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng và có mái nhà hình bát giác màu xanh, bạn có thể thấy Đài tưởng niệm Chiang Kai Shek trên con đường chính dẫn vào quảng trường.
    Sảnh chính của đài tưởng niệm có một bức tượng Chiang Kai Shek lớn bằng đồng, tượng ngồi và được mặc trang phục truyền thống. Ngoài Chiang Kai Shek Memorial, khu vực quảng trường còn có Nhà hát Quốc gia và National Concert Hall, hai địa điểm tuyệt vời cho nghệ thuật với sự biểu diễn thường xuyên của các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Đài Loan và nước ngoài.
    Đài tưởng niệm có dạng hình số 8 tượng trưng cho sự giàu có. Hai cầu thang lớn đi lên có 89 bậc tượng trưng cho số tuổi thọ của Tưởng Giới Thạch. Đài mất 4 năm để xây dựng xung (1976–1980).
    Thời gian mở cửa : 9h sáng – 18h00 tối
    Toà nhà Taipei 101
    MRT Xiangshan Station
    Sau đó tầm chiều muộn chạy ra toà nhà Taipei 101, có thể ngắm dưới chân tháp và lên núi Elephant Mountain để ngắm toàn cảnh thành phố cũng như Taipei 101 từ trên cao.
    Đi thang máy siêu tốc lên đỉnh một trong những tòa nhà cao nhất thế giới để ngắm nhìn khung cảnh kỳ vĩ của Đài Bắc và xa hơn. Đài Bắc 101 được tạp chí Newsweek bình chọn là một trong Bảy Kỳ quan Mới của Thế giới và Kênh Discovery bình chọn là một trong Bảy Kỳ quan Xây dựng. Tòa tháp hiện đang giữ Kỷ lục Thế giới Guinness về thang máy chở khách nhanh nhất thế giới.
    Ngắm toàn cảnh Taipei về đêm tại núi Elephant Mountain, ( 象山, Xiàngshān )
    Ở độ cao 508 mét (1.667 foot), Đài Bắc 101 là tòa nhà cao nhất thế giới trong bảy năm đầu thế kỷ 21. Được thiết kế theo phong cách kiến trúc đức tin Phương Đông, tòa nhà này có hình dạng vô cùng độc đáo khiến một số người gọi đùa rằng đây là tòa nhà ghép từ các hộp cơm của nhà hàng Trung Quốc. Khi tìm hiểu mặt tiền làm bằng kính, du khách hãy cố tìm ra các yếu tố phong thủy kết hợp. Toàn bộ cấu trúc của tòa nhà đều dựa trên con số may mắn của Trung Quốc, số tám. Hãy tìm kiếm họa tiết như ý lượn sóng tô điểm cho cấu trúc, tượng trưng cho sự bảo vệ và hoàn chỉnh. Mỗi buổi tối trong tuần, đèn trong tòa tháp sẽ trình diễn màn ánh sáng là một trong bảy màu quang phổ.
    Trước khi đến Taipei 101 chúng tôi đã liên hệ đặt trước với Starbuck tại Tầng 35 nơi có để ngắm nhìn thành phố từ tòa nhà 101. Quán này khá nhỏ nên bạn có thể sẽ phải đặt bàn trước, bạn đến sảnh tầng 1 sẽ có nhân viên của Starbucks đứng chờ và hướng dẫn bạn. Để đặt trước với Starbuck ở đây bạn có thể google “How to get to Starbucks at 35th floor”.
    Buổi tối: Ăn tối ở Din Tai Fung dưới chân Taipei 101
    Đến Taipei 101 không thể không thưởng thức Dim Sum ở nhà hàng Din Tai Fung nổi tiếng, nằm ngay dưới chân tháp 101. Nhưng bạn chú ý là nên đến sớm vì ở đây xếp hàng khá lâu, cứ lấy số trước rồi đi chơi tầm 30’ quay lại cũng được. Dim Sum ở đây thì khỏi cần phải quảng cáo rồi vì được xếp hạng 1 sao Michelin.
    Điểm đến tiếp theo dạo chơi chợ đêm Shilin (Shilin Night Market)
    Cách đi: Đi MRT xuống ga Jiantan (Exit 1) chứ không phải Shilin Station bạn nhá, chòi lên mặt đất sau đó băng qua đường là tới. Còn nếu từ MRT Taipei 101 World Trade Center đi train tới MRT Jiantan (mất 21′, 10′ có 1 chuyến, giá 1-2$), sau đó đi bộ thêm 1′ là tới Shilin market.
    Thời gian mở cửa: 3pm – 1am hàng ngày
    Nhắc đến những khu chợ đêm nổi tiếng ở Đài Loan thì phải nhắc ngay đến chợ đêm Shilin, là một trong những khu chợ lâu đời nhất (từ năm 1899), to nhất, đông đúc nhộn nhịp nhất Đài Bắc với hơn 500 gian hàng bán đủ các sản phẩm, ẩm thực đồ ăn thức uống ê hề, bao gồm cả 1 khu ăn uống Shilin Night Market Food Court có máy lạnh điều hoà ngồi hẳn hoi. Ngoài ra chợ còn có các quầy lưu niệm, các trò chơi vô cùng nhộn nhịp, ngày nào từ tầm 3 giờ chiều đến 1 giờ sáng cũng như mùa lễ hội. Đến chợ bọn mình khuyên các bạn cứ “go with the flow” đi, nhìn thấy món nào hấp dẫn thì táp vô ăn liền, một số cửa hàng sẽ có đồ ăn thử để bạn quyết định có nên mua hay không. Khu chợ đêm này tập trung rất nhiều các bạn trẻ Đài Loan cũng như người dân địa phương tới, nhất là dịp cuối tuần.
    Trong số món ăn ngon tại chợ đêm Sĩ Lâm bạn đừng bỏ lỡ món xương sườn hầm thảo dược Trung Quốc, xúch xích quấn trong gạo nếp, bánh hành, xúc xích cỡ đại Sĩ Lâm, đậu phụ thối, thạch trà hay trứng tráng hàu, và đặc biệt món Gà bơ chiên khá ngon mới du nhập vào đây.
    Nói chung giá cả cũng vừa phải, nhưng nếu chủ đích đi mua hàng thì bạn nên ghé các khu chợ khác, vì Sỹ Lâm đa phần dành cho du khách đi chơi và khám phá văn hóa ẩm thực Đài Bắc, giá ở đây cũng vì thế mà cao hơn các khu chợ khác.

    NGÀY 2 

    Làng cổ Cửu Phần (Jiufen)
    Làng cổ Jiufen nằm ở phía bắc Đài Loan với vị thế đặc biệt: Làng nằm trên vách núi, hướng ra bờ biển Đông của Đài Loan. Đây là điểm dừng chân độc đáo thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm. Đến với Jiufen bạn sẽ được đắm mình trong làn sương mù giăng giăng khắp lối, tận hưởng một khung cảnh thiên nhiên huyền ảo nên thơ. Bầu không khí cực trong lành với làn gió mát lạnh thổi từ biển xa xanh thẳm. Làng rực rỡ với những gam màu đan xen nhộn nhịp, bao quanh bởi non nước hữu tình, khiến cho bao du khách mải mê đến quên lối về.
    Lý do làng cổ Jiufen có tên như vậy là do dưới thời nhà Thanh, làng mới chỉ có 9 gia đình sinh sống. Hệ thống giao thông thì lạc hậu, thô sơ dẫn đến việc khó liên hệ với thị trường thế giới. Vì thế mỗi khi có gia đình nào đi mua sắm tại nơi khác họ sẽ mua cho cả 8 nhà còn lại. Vì thế người ta gọi là làng Jiufen – Cửu phần.
    Đến ngôi làng này, bạn có thể chụp ảnh với những ngôi nhà cổ, những hàng lồng đèn đủ màu và thưởng thức không khí trong lành trên núi.
    A Muội Trà Lâu (A Mei Tea House, 阿妹茶樓, Ā mèi chálóu), một địa điểm check in nổi tiếng ở Cửu Phần. Người rất đông nên rất khó để các bạn có thể tự sướng một mình.
    Bạn có biết bộ phim hoạt hình được yêu thích nhất Nhật Bản và nằm top những phim hoạt hình hay nhất thế giới – Spirited Away thật ra có bối cảnh được lấy cảm hứng tại Đài Loan? Thị trấn cổ đã mê hoặc Hayao Miyazaki có tên là Jiufen (Cửu Phần) nằm trên một ngọn núi cách Đài Bắc khoảng 50 km.
    Thị trấn rất nhỏ nhưng luôn nhộn nhịp, đặc biệt là về đêm với rất nhiều cửa hàng lưu niệm lẫn quầy hàng ăn uống. Dạo bước trên từng bậc thang của thị trấn sẽ khiến bạn có cảm giác như mình là cô bé Chihiro đang lạc lối trong “vùng đất linh hồn”. Jiufen là một trong những địa điểm đáng ghé thăm nhất khi tới Đài Loan, rất nhiều du khách các nước đều công nhận như vậy.
    Có 2 cách phổ biến nhất để đi từ Taipei đến Jiufen, đó là bắt xe bus hoặc thuê xe riêng nguyên ngày. Nếu đi nhóm đông bạn nên thuê xe sẽ tiện và rẻ hơn, họ có thể chở bạn đi nhiều điểm hơn. Còn nếu đi riêng từ 1-2 người, đi bus cũng rất ok không vấn đề gì cả.
    Tất nhiên tôi thích tự đi hơn là thuê xe người ta chở mình đi như kiểu tour. Đi bus từ Taipei
    + Taipei – Jiufen: Ở Taipei bạn đi MRT đến trạm Zhongxiao Fuxing, ra khỏi ga bằng cửa Exit 1 rồi đi bộ ngược lại, đến ngã tư đầu tiên rẽ trái đi thẳng sẽ đến bến xe bus, bắt xe 1062 đến Jiufen. Bus 1062 khi khá chậm, mất khoảng 1.5 tiếng mới đến được phố cổ Jiufen.
    + Jiufen – Làng mèo: Bạn ra lại bến xe bus Jiufen bắt xe 1062 ngược trở lại để về Riufang, từ đây đi tàu đến trạm Houtong Station là làng mèo – Cat Village.
    + Làng mèo – Shifen, Pingxi: đi bằng tàu, cứ 1 tiếng sẽ có 1 chuyến nên bạn phải ghi nhớ giờ tàu chạy trên bảng chỉ dẫn ở ga. Ở Shifen bạn có thể đi bộ để thăm thác nước Shifen Waterfall, hoặc tiếp tục đi tàu để thăm phố cổ Pingxi.
    Chiều về từ Shifen – Taipei bạn lại thực hiện các bước ngược lại, tức là đi tàu từ Shifen về Riufang, rồi bắt bus 1062 hoặc 1061 về Taipei. Bus 1061 có vẻ chạy nhanh hơn bus 1062. Nhưng bạn cực kỳ cẩn trọng vì giờ tàu chạy ở các địa điểm ở đây thường chỉ 1 tiếng mới có 1 chuyến.
    Phố cổ Thập Phần – Shifen
    Phố cổ nằm ngay sát một đường ray xe rửa. Đường ray này trước đây được xây dựng để vận chuyển than. Ngày nay hai bên đường ray có rất nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm, cửa hàng chuyên bán đèn trời, thức ăn đồ uống… 3 nơi Shifen hay JingTong, Fingxi đều có thả đèn trời, nhưng Shifen là đông vui nhộn nhịp nhất. Có 1 cửa hàng của chủ Hàn Quốc, vì người Hàn du lịch Đài Loan rất nhiều, ngoài ra còn cửa hàng của các chị em Việt Nam qua mở nữa.
    Việc thả đền trời có ý nghĩa cầu mong may mắn. Đèn lồng được làm bằng giấy gạo dầu trên một khung làm bằng tre hoặc kẽm với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu tượng trưng cho sức khỏe, tài sản, công việc, bình an… Khách du lịch có thể tự tay viết những lời cầu nguyện lên đèn. Đèn một màu giá 150TWD, 4 màu giá 200TWD, mỗi màu tượng trưng cho mỗi lĩnh vực gia đình, tình yêu, tình tài, sự nghiệp… Giá chỗ nào cũng như nhau.
    Cái đẹp nhất khi thả đèn trời không phải là niềm tin chiếc đèn có thật sự mang điều ước của mình đến trời xanh hay không, mà là khi bản thân mỗi người phải nhìn sâu vào bên trong và suy nghĩ xem thật sự mình mong muốn điều gì, để có thể viết ra thành con chữ, và nụ cười lạc quan của mọi người khi đèn bay lên trời.
    Làng Mèo Houtong – Houtong Cat Village
    Nằm cách thành phố Đài Bắc (Taipei) 35km, ẩn mình trong những ngọn đồi phía bắc Đài Loan, có một ngôi làng nhỏ có rất nhiều mèo. Dọc theo sông Keelung, ngôi làng ngày từng là mỏ khai thác than của Houtong bị bỏ hoang từ những năm 1990, trong làng chỉ còn rất ít hộ gia đình.
    Về sau, mèo hoang đến đây càng ngày càng nhiều. Những người dân trong làng đã nỗ lực cứu chữa và nuôi dưỡng những chú mèo này. Cho đến năm 2008 thì hình ảnh về ngôi làng đã được đưa lên mạng và vụt nổi tiếng. Ngôi làng cũng dần trở thành điểm lui tới thường xuyên của khách du lịch. Sau 2 năm, số lượng mèo tại đây đã tăng lên con số 200 con.
    Mèo ở đây dạn người và cũng rất chảnh mèo, rất kiêu kì, không dễ để mấy ẻm cho nựng và cho chụp hình đâu nha. Bà nào bà nấy mập ú vì được khách du lịch mua đồ ăn vỗ béo cho sướng quá trời.
    Ai thích mèo thì rất khuyến khích đi chỗ này, như đi vô 1 làng cổ nhỏ bé rất dễ thương, trên đường quay lại ga Houtong thì nhớ theo lối bậc thang đi xuống dưới, ở đây có cửa hàng bán quà tặng và các quán ăn, khá dễ thương và rẻ nữa, mua vài món đồ lưu niệm toàn hình mèo.
    Quay về trung tâm Taipei chúng tôi tiếp tục hành trình làm đầy dạ dày, chúng tôi tiến về Tây Môn Đinh (Ximending) khu phố mua sắm sầm uất bậc nhất của Taipei, vào đây dễ lạc như chơi vì đồ hiệu siêu nhiều và thường rẻ hơn VN cũng rất nhiều..

    NGÀY 3 

    Trekking Vườn quốc gia Yamingshang – Dương Minh Sơn
    Dương Minh Sơn – Yangmingshan là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Đài Loan. Du khách từ bốn phương thường đến đây để bách bộ, thưởng thức không khí trong lành, tắm suối khoáng nóng và ngắm hoa đào nở. Mùa đào nở rộ là khoảng tháng 3 đến tháng 4 sẽ tạo nên một màu hồng vừa rực rỡ vừa đẹp đến nao lòng.
    Nhắc đến chuyện ngắm lá phong là phải nghĩ ngay đến Yang Ming Shang – một trong những công viên quốc gia thuộc hạng “hịn”, to, thơm, đẹp của Đài Loan. Quanh năm cây cối cỏ cành hoa lá thay phiên nhau đua nở. Nếu mùa Thu ở Hàn có công viên Naejangsan National Park thì ở Đài Loan sẽ có Yang Ming Shang National Park. Chưa kể việc di chuyển tới đây cũng khá dễ dàng vì chỉ cách Đài Bắc 1 tiếng ngồi xe bus mà thôi. Sau khi lang thang nhặt lá… í quên ngắm lá đã mắt, các bạn còn có thể ngâm mình tắm suối nước nóng thư giãn tinh thần trong một ngày se lạnh thì đúng là tuyệt đỉnh!!!
    Nếu chỉ đến Taipei mà không có nhiều thời gian đi đến các vùng núi khác thì không nên bỏ qua Yang Ming Shan (Dương Minh Sơn). Xuân nào cũng vậy, cứ ngước nhìn lên là cả bầu trời trước mặt bạn sẽ chuyển hồng vì màu hoa anh đào. Không chỉ thế, Yang Ming Shan còn có rừng cỏ lau, hoa loa kèn, hoa đỗ quyên các thứ, trải dài tận chân núi. Một đặc điểm nữa là Hoa ở Yang Ming Shan mọc rất “ngoan”, cứ đúng ngày đúng tháng là sẽ nở một cánh đồng mênh mông và rộng lớn.
    Bảo tàng Cố cung (National Palace Museum)
    Nhìn bên ngoài có vẻ hơi “xoàng”, tuy nhiên bước vào bên trong các bạn sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm cổ kính của bảo tàng. Cất giữ hơn 70,000 cổ vật trong đó có những cổ vật tới 10,000 tuổi, Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, luôn là điểm tham quan nhất định phải ghé ở Đài Bắc. Cố Cung có tới mấy tầng lầu, tầng nào cũng rất rộng to và vô số cổ vật nào là ngọc ngà châu báu, vàng bạc đá quý, gốm sứ, ngà voi, san hô, gỗ quý, tranh thuỷ mạc,… không thiếu thứ gì.
    Tuy nhiên, vedette của Cố Cung chính là miếng ngọc bích hình cây cải thảo, tượng trưng cho đức hạnh của người phụ nữ Trung Hoa thời phong kiến. Tinh xảo đến không đỡ được và cục thịt kho tàu…. bằng đá thạch anh nhìn như thật.
    Cách đi: Đi MRT đến trạm Shilin, ra Exit 1, đi phía đường Zhong Zheng, đón xe R30 hoặc bus 18, 19,255, 304 hoặc 815 đi thêm chừng 20 phút nữa.
    Vé vào cổng: 250TWD/người (rất đáng đồng tiền bát gạo) luôn.
    Rời Đài Bắc chúng tôi bắt đầu tiến về khám phá Đài Trung

    NGÀY 4 

    Sun Moon Lake – Hồ Nhật Nguyệt
    Hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake) còn được gọi là Nhật Nguyệt Đàm, là hồ nước lớn nhất Đài Loan. Khu vực hồ và cùng với khu vực xung quanh, đây cũng là một trong 13 thắng cảnh nổi tiếng nhất đảo ngọc.
    Hồ Nhật Nguyệt thuộc địa phận xã Yuchi huyện Nantou của miền Trung Đài Loan.
    Nép mình ở độ cao 760m, nổi tiếng với làn nước trong xanh lấp lánh, giữa khung cảnh núi non đẹp như tranh vẽ. Đây là một điểm đến thường xuyên của các cặp đôi Đài Loan khi đi hưởng tuần trăng mật.
    Khám phá thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, nên thơ ở hồ Nhật Nguyệt bằng 3 cách như sau:
    + Di chuyển bằng thuyền
    + Đi bằng cáp treo, từ trên cao nhìn xuống thấy toàn bộ quang cảnh hồ Nhật Nguyệt
    + Đi bằng xe đạp – đạp xe quanh hồ
    Wenwu Temple – đền Văn Võ (文武 廟)
    Đây là ngôi đền lớn nhất trên bờ phía Bắc của hồ Nhật Nguyệt. Đền được xây theo phong cách cung điện Trung Hoa. Trước đây, hai ngôi đền nằm trên bờ của hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake). Năm 1919, chính quyền thực dân Nhật Bản đã xây dựng đập thủy điện, khiến mực nước của hồ dâng cao khiến 2 ngôi đền bị phá hủy. Năm 1938 ngôi đền được xây dựng lại. Năm 1945, chính phủ đã đầu tư phát triển du lịch quanh hồ nên đền Wenwu cũng được xây dựng lại vào năm 1969 với quy mô lớn hơn.
    Làng Cầu Vồng
    Thực ra thì ngôi làng Cầu Vồng cũng không rộng đâu, chỉ còn 1 vài căn nhà được giữ lại, nhưng hoạ tiết của ngôi làng rất rực rỡ và đáng yêu. Sự tích bắt đầu khi ông cụ họ Huang (nay đã 94 tuổi, thường ngồi đây để giao lưu với các fan, cụ còn biết chụp hình bắn tim rất tuổi teen nữa đấy) có sở thích vẽ vời đã tự tay vẽ trang trí nhà mình, rồi dần dần vẽ thêm luôn những ngôi nhà xung quanh.
    Ban đầu chỉ có sinh viên gần đó thấy hay hay ghé lại, rồi một đồn mười, ngôi làng trở nên nổi tiếng, bà con nô nức gần xa đến chụp hình và tạo dáng các kiểu khó đỡ, thế là chính phủ quyết dịnh đem vô bảo tồn luôn cho mọi người tham quan, xây thêm nhà vệ sinh công cộng và 1 công viên vui chơi nhỏ xinh cho trẻ em. Tuy không hoành tráng nhưng rất đặc biệt, hẳn là không nên bỏ lỡ.
    Đây là người nghệ sĩ tài ba đã dành mấy năm trời để tô màu và làm nên Rainbow Village

    NGÀY 5 

    Gaomei
    Đến đây rất là vui, vì phía dưới là phần đầm lầy, nước biển dâng lên 1 chút đến khoảng cao hơn mắt cá (càng tối nước càng lên cao thì sẽ qua đầu gối một chút), mấy con cua con cá chạy lung tung nhìn rất cưng. Người lớn, trẻ em (có nhà còn dắt cả mấy em cún rất xinh) ai nấy cũng bỏ hết dép ở phía trên con đường gỗ dài ngoằn ngoèo dẫn ra phía xa tít, rồi đi chân trần xuống nô đùa như đúng rồi. Có người còn đem cả diều ra đây thả vô cùng hồn nhiên :)).
    Đầm lầy Gaomei, khoảng đến 6h20 (giờ mặt trời lặn cần xem trước trên mạng để canh cho chính xác vì mỗi ngày sẽ lặn một giờ khác nhau) thì mặt trời bắt đầu từ từ lặn. Bà con lúc này đồng loạt móc điện thoại ra, dân chuyên nghiệp thì đã set up trước các thể loại máy quay, máy chụp và cứ vậy ngẩn ngơ đứng ngắm giây phút rực rỡ. Phút giây ngày tàn không ngờ lại quá xá đẹp, và chỉ vỏn vẹn chừng 10 phút nhưng không hề phí công. Đặc biệt sau những ngày trekking khắp chốn, khi thả chân dưới nước biển mọi mệt mỏi của đôi chân đều tan biến !
    Thăm chốn an nhiên của Phật Quang Sơn (Fou Guang Shan)
    Khu chùa nổi tiếng này là điểm không-thể-bỏ-qua khi tới Cao Hùng, đây nơi có tượng Phật cao nhất thế giới. Từ cổng bước vào, bạn sẽ thấy choáng ngợp bởi sự ‘hoành tráng lệ’ của công trình Phật giáo rộng 100ha này, chính giữa là tượng Phật đúc bằng đồng cao 108m, hai bên là 8 tòa bảo tháp. Phật Quang Sơn là nơi lưu giữ rất rất nhiều tượng Phật dát vàng và 100 vạn bản Tâm Kinh do hàng trăm người sao chép tay từ rất nhiều nơi. Ngoài ra, nếu bạn là Phật tử thì chắc hẳn bạn sẽ muốn chiêm ngưỡng xá lợi răng Phật hiếm có của ngôi chùa này. Điều mình thích ở đây đó là sự yên tĩnh, mặc dù có rất đông người đến tham quan, nhưng tuyệt nhiên không hề ồn ào.
    Tuy nhiên có một vài điểm lưu ý khi tới đây:
    Vào cổng miễn phí, nhưng bạn hãy tuân thủ các quy định của nơi này (không hút thuốc, không ăn uống, không nói to, một số khu bên trong không được chụp hình).
    Vì nơi này rất rộng và ít cây xanh, nên bạn nên mang ô (dù).
    Cách đi: MRT ZuoYing-R16, Exit 1 đi bộ một đoạn bạn sẽ thấy trạm xe bus. Đi bus 8501 tới Phật Quang Sơn (giá vé 80TWD,thời gian 1h30 phút).
    Chợ đêm Fengjia (Fengjia Night Market) – Phùng Giáp – Đài Trung
    Nhắc đến Đài Trung là không thể không nhắc đến chợ đêm FengJia (Hay còn gọi là chợ đêm Phùng Giáp). Đây được đánh giá là một trong những chợ đêm nổi tiếng nhất và cần phải đến nhất tại Đài Loan nói chung cũng như Đài Trung nói riêng. Nếu Shilin chỉ là chợ đêm lớn nhất Đài Bắc thì FengJia mới chính là khu chợ đêm lớn nhất, nổi tiếng bậc nhất Đài Loan và được đánh giá cao bởi những món ăn vặt rất đậm chất xứ Đài. Nhớ chuẩn bị tinh thần và sức lực để đi càn quét hết hơn 15.000 gian hàng lớn nhỏ ở Fengjia. Nhớ đừng bỏ qua món bào ngư nướng, lườn gà chiên và xúc xích que nhé, đảm bảo ngon đến chết đi sống lại luôn đó.
    Địa chỉ: Wenhua Road, Xitun District, Taichung City, Taiwan 407
    Mở cửa: 4PM-1:30AM
    Cách đi: Không có MTR để đi đến chợ đêm này, tuy nhiên bạn có thể bắt taxi, Uber hoặc bus để đến chợ
    Những món quà lưu niệm handmade rất ư là cute.
    Và mùa xuân ở Đài Trung thì chỉ cần đi dạo ngoài đường phố cũng đầy ấp hoa rồi.

    NGÀY 6

    Kết thúc hành trình vi vu đảo Ngọc Đài Loan chúng tôi bắt đầu ra sân bay và trở về Việt Nam. Nhưng hẹn một ngày không xa sẽ trở lại với Đài Loan thân thương và gần gũi !