• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • 16 tuổi một mình ở Bangkok, được chứ sao không?

    Klook Team
    Klook Team
    Last updated 14/3/2020
    du lich thai lan mot minh tuoi 16 bangkok cover
    Bài dự thi Cuộc thi viết và chia sẻ về du lịch “Tự Do Khám Phá – Theo cách bạn muốn” của bạn Hải Nguyên về chuyến du lịch Thái Lan một mình khi chỉ mới 16 tuổi.
    – – – – –
    Mình là Nguyên, tròn 16 tuổi, vừa thực hiện một ý tưởng táo bạo đón sinh nhật tuổi 16 – thực hiện chuyến solo đầu tiên trong đời ở Bangkok, Thái Lan trong 4 ngày. Chuyến đi này hoàn toàn là tự túc, tự mình đặt vé máy bay, phòng trọ, không theo bất kì một tour nào cả, và mình đã thành công. Dưới đây là chia sẻ của mình dành cho các bạn, các anh chị đang muốn đi một chuyến solo đáng nhớ, đặc biệt là ở Bangkok.

    Cách di đến đến Bangkok

    Có rất nhiều hãng bay khai thác đường bay đến Bangkok nhưng rẻ nhất là Air Asia và Vietjet Air. Mình đặt trước chuyến đi có 1 tuần của hãng Vietjet Air nhưng giá vé cũng khá hợp lí (2 triệu rưỡi). Cố gắng săn những đợt sale của Air Asia vào dịp cuối năm, đặt trước nhiều tháng còn Vietjet Air thì canh lúc 12h thỉnh thoảng sẽ có deal.

    Thủ tục hải quan

    Có khá nhiều lời đồn về việc hải quan Thái có thể kiểm tra bất ngờ những người du lịch một mình xem có 700 usd mang theo người thì mới cho nhập cảnh, và đã được xác nhận. Tuy nhiên lúc mình đi thì hải quan không kiểm tra, cũng không hỏi han bất cứ điều gì mà cứ thế cộp dấu. Tốt nhất để đề phòng bạn cứ chuẩn bị trước 700 usd trong trường hợp bị hỏi.

    Sim thẻ

    Bạn hoàn toàn có thể mua trước sim 4G trên Klook và nhập mã BILLBALO sẽ được khuyến mãi giảm 80k. Bạn chỉ việc đặt online rồi đến sân bay cho họ xem mã QR đã đặt trước là sẽ lấy được sim. Quầy Klook không hẳn là dễ tìm vì bạn phải đi xuống tầng cuối cùng chỗ có Airport Rail Link, đi một đoạn nữa là thấy.

    Di chuyển về trung tâm

    Có rất nhiều cách nhưng phổ biến nhất là taxi và xe van. Tuy nhiên giá cả khá đắt trừ khi bạn đi theo nhóm đông. Lựa chọn tiết kiệm hơn cho những bạn đi du lịch một mình hay hai người là các bạn có thể sử dụng dịch vụ tàu Airport Rail Link đặt trước qua Klook để được giảm giá, rồi từ đó bắt xe ôm về chỗ mình ở. Ngoài ra, những bạn nào ở Khao San như mình có thể xuống ngay tầng 1, ra ngoài cửa tìm xe bus màu cam S1 rồi đi thẳng về bến cuối cùng ở Khao San với giá 60 baht (1 baht = 700 đồng).

    Di chuyển trong thành phố

    Nhắc đến Bangkok người ta thường nhắc đến tuk tuk, tuy nhiên phương tiện này chỉ dành cho người đi theo nhóm vì giá cả không hề rẻ.
    Taxi là một lựa chọn tuy nhiên để tiết kiệm nhất thì nên đi share với một hay hai nhóm nữa. Tuy nhiên tắc đường ở Bangkok xảy ra rất thường xuyên nên mình không recommend lắm.
    Xe ôm, BTS và MRT là 3 phương tiện tiết kiệm mà hiệu quả nhất dành cho những bạn đi tự túc một mình. Hệ thống Grab ở Bangkok cũng rất phát triển, cùng với Line Man thay thế xe ôm và taxi truyền thống. BTS thì bạn cứ đến trạm, xem bản đồ rồi đọc điểm đến cho người bán vé, làm theo mọi người là có thể đi được rồi, tương tự với MRT. Nhưng bản thân mình thấy BTS có vẻ được ưa chuộng hơn MRT.
    Ngoài ra còn một lựa chọn cuối cùng cũng rất hợp lí như mình đã sử dụng là mua vé thuyền hop on- hop off trên sông Chao Phraya chỉ 180 baht 1 ngày đi từ 8h đến 18h, có thể nhảy xuống bất kí bến nào. Đây là một lựa chọn khá tiện lời vì các địa điểm tham quan đẹp đều nằm dọc theo bờ sông Chao Phraya.

    Chỗ ở

    Bangkok có vô vàn các lựa chọn về chỗ ở, từ sang trọng đến bình dân. Khách sạn rơi vào khoảng từ 30 đến 200 usd 1 đêm, còn phòng dorm ở hostel như mình ở thì chỉ rơi vào khoảng 10 usd 1 đêm. Mình đã tìm hiểu các khu vực chính như sau:
    Khao San: là con phố dành cho dân du lịch bụi với lựa chọn chỗ ở tiết kiệm, yêu thích đông vui, gần các điểm tham quan.
    Chinatown: giá cả hợp lí phải chăng, muôn vàn lựa chọn chỗ ở bình dân, đồ ăn ngon nhưng hệ thống giao thông không phong phú
    Silom: Khu vực hành chính của Bangkok với các tòa nhà hiện đại, chỗ ở tiện nghi, giao thông tiện lợi, gần các sky bar nổi tiếng, nhiều thứ để chơi nhưng khá xa các địa điểm du lịch.
    Siam: Giao thông tiện lợi, có những trung tâm thương mại nổi tiếng thích hợp cho người yêu thích shopping nhưng khá buồn và ít hoạt động vào buổi tối.
    Sukhumvit: Giao thông tiện lợi, hiện đại, giá cả không quá cao, đông vui về đêm nhưng cách xa địa điểm du lịch và old town.
    Ven bờ sông: Tập hợp chỗ nghỉ sang trọng, thích hợp cho những ai đi cùng gia đình và nghỉ dưỡng tuy nhiên giá cả khá cao.

    Ăn uống

    Đồ Thái được biết đến vì độ cay nóng và gia vị vừa miệng. Bạn có chọn lựa từ nhà hàng hạng sang đến quán bình dân, giá cả dao động từ 30 đến 300 baht, tùy vào địa điểm và khu vực bạn ăn. Các món ngon gồm có: pad thai, cơm các loại, gỏi, súp tom yum,… Đặc biệt nếu bạn nào đi tiết kiệm như mình có thể chọn các quán mà người bản địa hay lui tới, đồ ăn siêu ngon mà giá chỉ từ 30 đến 50 baht 1 bữa.

    Tham quan

    4 ngày là vừa đủ để khám phá Bangkok. Bạn có thể dành ngày đầu để đi hết khu old town, ngày hai đi China Town và Silom còn ngày ba dành cho siam và sukhumvit để shopping và vui chơi. Mình đã tìm hiểu và đi một số địa điểm không có trong các lịch trình tour như Lhong 1919, BACC hay flower market và theo mình đánh giá thì chúng khá đẹp và không bị đông đúc.

    Lịch trình

    Ngày 1

    15h: Vừa xuống sân bay Suvarnabuni, mình nhanh chóng tìm quầy Klook để lấy sim 4G đã đặt online ngày hôm trước. Lấy được sim mình liền nhanh chóng lên mạng search thông tin cách di chuyển về Khao San và có hai lựa chọn là xe bus hoặc taxi tuy nhiên không có Airport Rail Link để về Khao San đâu nhé. Mình leo lên xe bus tuyến S1 màu đỏ cam và đến bến cuối cùng – Khao San vì hostel mình đặt ở đấy.
    một góc khao san
    16h: Xuống xe bus, mình bật Google Maps (sim 4G rất nhanh), tra đường đến hostel, check in rồi vào phòng nghỉ ngơi ( phòng dorm 4 giường, ở chung với Tây Balo). Vẫn không thể tin mình đã đến được Bangkok!
    17h: Nghỉ ngơi xong mình ra Khao San chơi nhưng lúc ấy chưa tối nên chưa thực sự sầm uất vì vậy mình quyết định đi dạo phố phường rồi về ăn tối ở một cái phố gần đấy ( cũng là đi bộ và sầm uất không kém ). Mình gọi 1 đĩa pad thai gà với giá 50 baht, khá là hợp lí với một khu phố du lịch.
    quầy pad thái tại khao san
    20h: Ăn xong mình quyết định dạo chơi Khao san và cảm nhận chung của mình thì nó không khác gì Tạ Hiện của Hà Nội với bia siêu rẻ và các quán bar nhộn nhịp. Mình chơi đến tầm 10h thì về ngủ để giữ sức cho ngày mai.
    khao san về đêm

    Ngày 2

    9h :Ăn sáng ở hostel xong, mình tính đi ra Grand Palace. Đi bộ mệt nghỉ mới đến nơi thì phát hiện ra giá vé tận 500 baht và nắng nóng đông đúc kinh khủng. Mình quyết định bỏ qua địa điểm này và chỉ ngắm ở bên ngoài, tuy nhiên đây vẫn là một địa điểm must – go.
    chụp hình bên ngoài grand palace
    9h30: Không đi được Grand Palace nên mình ra Wat Arun. Đang suy nghĩ xem làm cách nào để đi đến đó thì một ông xe ôm cứ đi theo mình mời mình lên xe. mình hỏi giá ra wat arun thì ông bảo 100 baht đi thẳng còn 20 baht ông đưa ra bến thuyền rồi mình phải tự mua vé phà qua sông. Tất nhiên là mình chọn phương án 2 rồi. 1 vé phà qua sông ở bến Tha Tien chỉ có giá 4 baht, tức là tổng cộng 24 baht, rẻ hơn rất nhiều so với đi thẳng ra đấy bằng xe ôm.
    10h: Trước khi chính thức vào Wat Arun mình phải qua một ngôi chùa ở cạnh theo mình đánh giá là khá đẹp với hàng tượng phật ngồi cùng với họa tiết tỉ mỉ và kì công. Giá vé vào Wat Arun là 50 baht, chỉ bằng 1/10 Grand Palace nhưng đỡ đông hơn rất nhiều. Chùa khá đẹp và đồ sộ với một tòa tháp chính và 4 tòa tháp vây xung quanh, lát bằng những viên đá họa tiết nhìn khá sang trọng. Mình cũng nhờ người ta chụp cho mình vài kiểu để lưu lại kỉ niệm.
    wat arun nhìn từ bên kia sông
    cổng wat arun
    tượng phật bên trong wat arun
    họa tiết trên tường tại wat arun
    chụp hình tại wat arun
    12h: Ngồi nghỉ chân một lúc thì mình bắt chuyện với một ông chú người Hàn đang đi phượt Đông Nam Á, ông với mình chia sẻ kinh nghiệm du lịch với nhau và ông khá bất ngờ khi biết mình mới 16 tuổi (!). Vì không biết đi đâu, mình quyết định đi theo ông ấy ra tận Siam. Có một cách rất tiết kiệm mà ông gợi ý cho mình là mua vé thuyền từ Wat Arun đến bến tàu ga BTS Saphan Taskin với giá 50 baht, rồi mua vé BTS đi ra Siam với giá 30 baht. Mình được ông chú hướng dẫn cách mua vé BTS, cách quẹt thẻ và nhận biết các ga và lần đầu đi BTS 1 mình nhưng mình cảm giác rất háo hức. Đến ga Siam, mình chia tay ông người Hàn rồi tự do đi khám phá khu vực xung quanh.
    người bạn hàn quốc tại trạm bts
    13h: Phải nói là mình chưa từng thấy shopping mall nào đồ sộ như Siam với 3 khu Siam Paragon, Siam Center và Siam Discovery.  Nhưng lúc đấy khá đói rồi và theo mình nghĩ, lựa chọn ăn uống tiết kiệm ở Siam rất hạn hẹp vì phải mất 15 20 phút mình mới mò tới được một con ngõ nơi nhiều người địa phương ăn với giá khá ổn so với những hàng ăn đắt đỏ xung quanh. Suất ăn của mình gồm cơm và 2 món ăn kèm gồm thịt băm và trứng với giá chỉ 30 baht.
    siam center bangkok
    17h: Ăn xong, mình vào Siam chơi đến 5h chiều thì mình hẹn các anh chị người Việt mình đã liên lạc trước để đi chơi cùng. Chúng mình vào tham quan BACC (Trung tâm nghệ thuật Bangkok) ngay cạnh Siam Discovery. Phải nói là các phòng triển lãm được làm theo kiểu khá sáng tạo và gây bất ngờ, thậm chí có cả triển lãm tác phẩm nghệ thuật bằng người thật.
    19h: Chúng mình vào Siam Center để ăn tối trong food court. Mình gọi một đĩa cơm Nhật với giá 90 baht, hơi đắt so với chi phí dự trù một bữa ăn của mình, nhưng lại khá hợp lí trong một khu shopping mall đắt đỏ. Sau đó mình tiếp tục đi mua quà cho người thân rồi nhờ gọi grab về Khao San với giá 70 baht.
    trung tâm văn hóa nghệ thuật bangkok
    22h: Về Khao San, mình lại tiếp tục dạo vài vòng rồi nghỉ ngơi.

    Ngày 3

    8h30: Mình đi dạo phố để cảm nhận cuộc sống buổi sáng của người Thái, phải nói là sinh hoạt chợ của họ khá giống người Việt. Phố Khao San buổi sáng buồn và vắng một cách kì lạ, trái ngược hoàn toàn với buổi tối đông đúc náo nhiệt.
    quầy bán đồ ăn tại khao san buổi sáng
    9h30: Mình ra bến thuyền Phra Arthit và quyết định mua vé tàu hop on – hop off trên sông với giá 180 baht ( kết thúc lúc 18h tối ), giá khá là hợp lí khi mà mình có thể lên xuống ở bất kì bến nào trong khung giờ quy định. Lên thuyền mình tranh thủ vid call với gia đình cũng như ngắm cảnh và chụp ảnh.
    sông chao phraya
    10h: Mình xuống bến Pakkhlong Taladd và được giới thiệu nên vào Flower Market ngay gần bến thuyền. Chợ bán rất nhiều loại hoa, chủ yếu là nguờI Thái đi mua, rất ít thấy sự xuất hiện của khách du lịch. Mình không đọc được tiếng Thái nên cũng không biết hoa gì.
    chợ hoa bangkok
    10h15: Mình đi lang thang tiếp một cái chợ địa phương ngay gần đấy, bán đủ loại rau củ đến hàng tiêu dùng. Cảm giác rất thân quen như ở nhà vậy. Mình cũng tranh thủ chụp choẹt khu chợ để phần nào gần gũi với người địa phương hơn. Đặc biệt hoa quả trong này bán rất rẻ, mình mua 20 baht mà được một túi đầy dưa gang. Khu vực này không có nhiều khách du lịch mà chủ yếu là người địa phương, nhà cửa cũng khá cũ kĩ và hoài niệm.
    11h15: Khá đói, mình tìm được một quán ăn chủ người gốc Trung Quốc bán món như kiểu hủ tiếu bên mình nhưng không ai nói được tiếng Anh nên mình phải giao tiếp bằng dấu hiệu. Món mì khá vừa miệng với giá 40 baht, sau này tra google mới biết tên món là Kway tiew nahm sai.
    12h: Nghỉ ngơi xong xuôi, mình ra bến thuyền bắt tàu để xuống bến tiếp theo – Chinatown. Xuống bến phải đi bộ tầm 10 phút nữa mới thực sự ra đến con phố chính Yaowarat. Mình mua xiên thịt ướp siêu ngon ở gần đó chỉ 8 baht/ xiên và là xiên thịt ngon nhất mình đã từng ăn. Chinatown khá rộng với những con phố nhỏ đầy đèn lồng, thi thoảng sẽ thấy những ngôi đền đạo giáo giông giống Hội An. Mình đi men theo những con hẻm nhỏ để khám phá và chụp ảnh.
    khu chinatown bangkok
    14h: Mình đến bến tiếp theo – Lhong 1919. Đây là một quần thể những dãy nhà cổ Trung Quốc từ đầu thế kỉ 19 được tu sửa lại thành bảo tàng, nơi offline nghệ thuật và các dãy bán đồ thủ công truyền thống khá đẹp. Nhưng điều thu hút nhất ở Lhong 1919 là những bức tranh tường kiểu street art cũng như họa tiết, kiến trúc theo lối retro mà vẫn giữ được vẻ truyền thống.
    đền đạo giáo ở chinatown
    bên trong lhong 1919
    tranh tường ở lhong 1919
    16h: Mình xuống bến cuối cùng là Saphan Taskin và cũng chính là bến mình đã xuống hôm qua để đi BTS đến siam. Thấy có một số người đi bộ lên cây cầu bắc ngang sông ngay gần bến để chụp ảnh, mình cũng mò đường lên theo. Phải nói là view từ cầu khá đẹp vì mình có thể bao quát hết các tòa nhà hiện đại mới xây dựng cũng như dòng sông Chrao Phaya.
    sông chao phraya nhìn từ trên cầu
    16h30: Mình quyết định đi địa điểm tiếp theo – Lumpini Park bằng cách mua vé BTS từ Saphan Taskin đi đến ga Salang Daeng ở khu Silom rồi đi bộ 5 phút là tới.
    trạm bts saphan taskin
    17h: Lumpini Park khá rộng, mình đi vào lúc tan tầm đông đúc nhưng trong công viên rất tĩnh lặng. Mình rút máy ảnh ra chụp được những khoảnh khắc khá bình yên của người Bangkok đang tập thể dục và tụ tập trò chuyện rồi sau đó mình ngồi ven hồ trong công viên để ngắm hoàng hôn.
    hoàng hôn tại lumpini park
    18h30: Mình đi tìm nơi ăn tối trong khu Silom và tìm được một quán cơm nhiều người bản địa ăn với giá 60 baht có cơm, thịt bò xào, cải thảo và trứng luộc trộn giấm, theo mình khá hợp lí.
    19h: Mình tiếp tục đi dạo Silom, vào các mall và ngắm quang cảnh đường phố về đêm. Theo mình nghĩ thì nightlife của Silom ăn đứt bên Siam bởi vì quanh khu Siam vào buổi tối khá buồn vì không có bất kì nơi giải trí đường phố nào ngoài chính Siam ra.
    20h: Mình tìm đường đến Patpong, chợ đêm nổi tiếng nhất Silom và cũng là phố đèn đỏ hợp pháp lớn nhất của thành phố này. Dĩ nhiên các quán bar đèn đỏ nằm khuất bên trong và giữa các ngõ nhỏ còn bên kia đường là chợ đêm với vô vàn lựa chọn đồ lưu niệm, quần áo và trang sức chỉ từ 20 đến 150 baht. Nhớ mặc cả nhé!
    đường phố silom về đêm
    20h30: Mình định tính đi bộ ra ga MRT Silom rồi đi về gần Chinatown nhưng lúc ấy khá mệt, cộng với ngày mai phải ra sân bay nên mình bắt xe ôm về Khao San với giá 150 baht, chơi thêm ít nữa ở Khao San rồi đi về tắm rửa, nghỉ ngơi.

    Ngày 4

    9h: Mình dậy ăn sáng, đi dạo phố phường thêm một lúc, chuẩn bị hành lí rồi đón bus S1 cách Khao San tầm 10m, đi ra sân bay. Mình nhìn nhầm giờ bay nên đến hơi sớm, nhưng thôi ra sân bay rồi cũng yên tâm. Chuyến đi kết thúc.

    Kết

    Tổng cộng mình hết 4 triệu 2 (không tính tiền quà)
    Vé máy bay 2 triệu 6
    Phòng dorm ở hostel 600k/3 đêm
    Di chuyển sân bay- thành phố: 80k/2 chiều
    Di chuyển trong thành phố 300k (đi bộ, xe ôm, grab, thuyền hop on-hop off, BTS)
    Ăn uống 300k/6 bữa (ăn sáng ở hostel)
    Tham quan 30k (Có mỗi Wat Arun là phải mua vé)
    Ăn uống lặt vặt, nước lọc 150k
    Phụ phí phát sinh 50k
    Về đến Hà Nội cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc vì mình đã thực hiện một điều không tưởng, nhất là ở độ tuổi này. Vui nhất là mình đã đi đúng theo kinh phí dự trù, thậm chí là ít hơn 300k ( mình dự trù 4,5 triệu). Mình sẽ cố gắng thực hiện ước mơ đi Ấn Độ và Myanmar, Lào và Campuchia trước năm 20 tuổi.
    Xem thêm một số bài viết thú vị về Bangkok: