• Mở ứng dụng
  • Chọn điểm đến
  • Chùa Sensoji, Địa Điểm Du Lịch Đáng Chú Ý Tại Tokyo

    Klook Vietnam
    Klook Vietnam
    Last updated 28/11/2022
    chua-sensoji
    Đừng bỏ lỡ Chùa Sensoji nếu bạn mong muốn có trải nghiệm trọn vẹn cảm xúc ở Tokyo. Cùng Klook Vietnam khám phá Chùa Sensoji nhé.
    Nếu bạn có quan tâm đến Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, chắc chắn sẽ nhìn thấy những tin tức quảng bá cho du lịch Tokyo, mà một trong những hình ảnh nổi bật chính là ngôi chùa màu đỏ bắt mắt – đó là Chùa Sensoji. Ngôi chùa cổ kính mang tính biểu tượng bởi màu sắc tươi sáng của nó, và cũng nằm gần Tháp truyền hình Tokyo Skytree.
    Ngoài ra, sở dĩ hình ảnh Chùa Sensoji được nhấn mạnh bởi vì Tokyo vốn không phải là quê hương của nhiều ngôi đền hay chùa lớn, đẹp, hay nổi bật. Vì thế, Chùa Sensoji là một trong số ít địa điểm du lịch tâm linh đáng chú ý ở Tokyo.
    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: wikipedia
    Viếng thăm Chùa Sensoji là hoạt động miễn phí mà bất kỳ du khách nào cũng muốn thực hiện khi du lịch Tokyo, nên ngôi chùa này thường khá đông đúc. Nhưng #teamKlook đừng lo, với những thông tin và kinh nghiệm tham quan Chùa Sensoji dưới đây, bạn sẽ có một chuyến đi thật ý nghĩa đến ngôi chùa cổ nhất trong thành phố với hơn nửa thiên niên kỷ những câu chuyện để kể.

    Giới Thiệu Chùa Sensoji

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: unsplash/Crystal Kay
    Sensoji (còn được viết là Senso-ji, hoặc Sensōji), có tên gọi khác là Asakusa Kannon, hay Kinryuzan Sensoji. Đây là ngôi chùa cổ nhất ở Tokyo nằm trong khu phố Asakusa ở thủ đô Tokyo, xuất hiện từ thế kỷ thứ VII. Chùa Sensoji nổi tiếng khắp Nhật Bản là nơi lưu giữ khá nhiều những nét văn hóa đặc biệt của thời kỳ Edo, và đặc biệt là điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát (Sho Kanzeon Bosatsu), người hiện thân cho lòng thương xót của tất cả các vị Phật.
    Trung tâm hành hương quan trọng này thu hút 30 triệu tín đồ mỗi năm, và được xem là chốn tâm linh của Tokyo mà ai cũng muốn ghé qua. Vì thế, sẽ là điều cực kỳ may mắn nếu bạn có thể xin được một quẻ tốt ở ngôi chùa cổ linh thiêng này đấy nhé!

    Giờ Mở Cửa Chùa Sensoji

    Chùa Sensoji bao gồm nhiều khu vực vời thời gian hoạt động trong ngày khác nhau.
    Cổng Kaminari (Kaminarimon): Luôn mở
    Chính Điện (Kannondo):
    • 6:00 – 17:00 (tháng 4 – tháng 9)
    • 6:30 – 17:00 (tháng 10 – tháng 3)
    Phố mua sắm Nakamise
    • Mở cửa: Tùy thuộc từng cửa hàng, thường là 09:00 – 19:00 

    Giá Vé Tham Quan Chùa Sensoji

    Chùa Sensoji không thu phí tham quan #teamKlook nhé. Bạn được tự do vào cửa theo khung giờ quy định như trên. Thích quá đúng không nào?

    Hướng Dẫn Cách Đi Đến Chùa Sensoji

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: tokyo-skytree.jp
    Chùa Sensoji có địa chỉ tại: 2-3-1 Asakusa, Taito-ku, Tokyo 111-0032, cách ga Asakusa khoảng 5 phút đi bộ.
    Có ba cách được đề xuất để đến khu vực Asakusa: tàu điện, xe buýt và xe buýt nước. Bạn có thể di chuyển đến Chùa Sensoji trực tiếp từ một số khu du lịch lớn ở Tokyo như: Ueno, Shibuya và Ginza, cũng như từ Sân bay quốc tế Narita và Sân bay quốc tế Haneda. 

    1. Bằng tàu điện

    Ga Asakusa là ga gần nhất với các điểm du lịch chính ở Tokyo, bao gồm cả Chùa Sensoji. Tuy nhiên, thực tế có đến bốn ga được đặt tên là ga Asakusa, bao gồm: Ginza Line Asakusa Station, Toei Asakusa Line Asakusa Station (tàu Shinkansen), Tobu Asakusa Station, và Tsukuba Express Asakusa Station.
    Tất cả các ga này đều được gọi chung là ga Asakusa. Ga Tsukuba Express Asakusa là tương đối xa vị trí Chùa Sensoji một chút, khoảng 10 phút đi bộ. Ba ga còn lại đều cách Chùa Sensoji chỉ từ 3 đến 5 phút đi bộ.
    Để tiết kiệm và thuận tiện hơn, #teamKlook đừng quên sử dụng thẻ Japan Rail Pass toàn Nhật bản, áp dụng cho phần lớn các tuyến đường sắt và xe buýt địa phương do JR vận hành.

    2. Bằng xe buýt

    Có một số tuyến xe buýt có sẵn xung quanh Asakusa như: Tobu Skytree Shuttle Bus, Toei Bus. Bạn có thể ghé qua Chùa Sensoji trên những chuyến xe buýt ngắm cảnh thành phố như Hop-On Hop-Off của Sky Hop Bus, Megurin Bus.

    3. Bằng xe buýt nước

    Xe buýt nước có lẽ là cách thú vị nhất để đi vòng quanh Tokyo! Những chiếc xe buýt nước chạy qua sông Sumida và vịnh Tokyo, nối Asakusa và Odaiba với một số điểm tham quan, đem lại trải nghiệm trên cạn – dưới nước rất độc đáo. 
    Di chuyển bằng xe buýt nước sẽ hơi đắt hơn các phương tiện giao thông công cộng khác một chút, nhưng bạn nghĩ xem, đôi khi tiền không thể mua được cảnh đẹp của Tokyo từ mặt nước đâu nhé!

    Lịch Sử Chùa Sensoji

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: senso-ji.jp
    Lịch sử Chùa Sensoji bắt đầu từ sáng sớm ngày 18 tháng 3 năm 628, khi thủ đô của Nhật Bản còn là Asuka (nơi ngày nay là một phần của tỉnh Nara), Hinokuma Hamanari và anh trai Takenari của mình đang đánh cá trên sông Sumida nằm cạnh ngôi làng chài mà bây giờ chính khu phố Asakusa. Khi kéo lưới vào, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy một bức tượng bị mắc trong đó, liền đem về đưa cho trưởng làng.
    Trưởng làng Haji no Nakatomo nhận ra đó là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát (Sho Kanzeon Bosatsu), hay còn gọi là tượng Kannon. Nhận thấy bức tượng Kannon là một điềm lành, trưởng làng đã sớm sửa sang lại ngôi nhà của mình thành một ngôi chùa, quyết định dành phần đời còn lại của mình để thờ cúng và tổ chức các buổi lễ tưởng niệm.
    Vào năm 645, một tu sĩ Phật giáo tên là Shokai đã đến vùng này và xây dựng điện thờ cho bức tượng Kannon. Tuy nhiên, Shokai đã che bức tượng lại theo hướng dẫn mà ông nghe trong một giấc mơ, và kể từ thời điểm đó, bức tượng vẫn chưa bao giờ được công bố với công chúng.
    Nói về khu phố Asakusa, vào thời điểm đó là một làng chài nhỏ nằm ở cửa sông của vịnh Tokyo, trong vùng hoang dã rộng lớn có tên là Musashino. Asakusa phát triển mạnh mẽ hơn khi có nhiều người đến chiêm bái, thờ phượng bức tượng Kannon. 
    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: unsplash/Manki Kim
    Vào giữa thế kỷ thứ IX, sư thầy Ennin (794 – 864), bấy giờ đang tu tại Chùa Enryakuji (ngôi chùa chính của trường phái Phật giáo Tendai), đã đến thăm Sensoji và tạo ra một bức tượng giống hệt với hình ảnh chính, gọi là tượng Hibutsu. Hibutsu là một biểu tượng hoặc tượng Phật của Nhật Bản, nhưng vì lý do tôn giáo mà tượng Hibutsu sẽ được đặt trong tủ thờ gọi là Joshi và luôn được đóng kín, hiếm khi được công khai cho công chúng.
    Trong thời kỳ Kamakura (1185 – 1333), các Mạc chúa (Shogun) thể hiện sự sùng kính lớn đối với Sensoji. Dần dần, những nhân vật nổi bật khác, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quân sự và giới văn sĩ, đã noi gương họ, và tầm quan trọng của ngôi chùa ngày càng tăng lên. 
    Vào năm 1590, Tokugawa Ieyasu, Mạc chúa đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa, đã chỉ định Sensoji là nơi cầu nguyện của Mạc phủ. Các Mạc chúa Tokugawa đời sau cũng kế thừa truyền thống đến viếng Chùa Sensoji và niềm tin vào Kannnon đã lan rộng trong dân chúng suốt thời kỳ Edo (1603 – 1867).
    Từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, Edo đã phát triển thành thành phố có dân số lớn nhất thế giới với nền văn hóa đặc trưng, rực rỡ, và Asakusa đã trở thành trung tâm văn hóa ở Edo. Ngày nay, Asakusa là nơi tập trung nhiều nhà hát, trình chiếu rất nhiều phim ảnh, âm nhạc và tạp kỹ, thể hiện văn hóa đại chúng của Nhật Bản.

    Mãn Nhãn Trước Kiến Trúc Chùa Sensoji

    Chùa Sensoji sở hữu kiến trúc rất nổi bật và dễ nhận biết. Nhìn từ xa, mái chùa đỏ tươi lấp ló trên những tán cây, xen kẽ là những bức tranh bằng vàng lấp lánh ngay cả khi không có ánh nắng chiếu vào. Cũng như những ngôi chùa khác ở Nhật Bản, Chùa Sensoji đa phần sử dụng nguyên liệu gỗ để có thể chống cự lại trước những trận động đất, và được chạm khắc tinh xảo, công phu.

    1. Chính Điện (Điện Kannondo)

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: pixabay/so005
    Được xây dựng bởi Mạc chúa Tokugawa đời thứ 3, Tokugawa Iemitsu, và được công nhận là báu vật quốc gia. Chính điện từng bị phá hủy trong cuộc Đại Không kích Tokyo vào ngày 10 tháng 3 năm 1945, Thế Chiến II, và được xây dựng lại vào năm 1958 với sự đóng góp của người dân trên khắp Nhật Bản.
    Điểm dễ nhận biết nhất của Chính Điện là phần mái dốc đặc biệt cao hơn so với mái của những ngôi chùa khác.
    Chính Điện được chia thành hai khu vực: Naijin (điện thờ bên trong) và Gejin (điện thờ bên ngoài). Hình ảnh chính của Sensoji, Bồ tát Kannon, tọa lạc trong một ngôi đền thu nhỏ ở giữa naijin.

    2. Điện Yogodo

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: wikipedia
    Một nhóm tám vị Phật gọi là Yogoshu đã tuân theo lời dạy của Bồ tát Kannon và hỗ trợ con đường giác ngộ. Các vị Phật được tôn trí trong Điện Yogodo, mỗi vị bảo vệ một hoặc hai con vật thuộc cung hoàng đạo Trung Quốc. Vị Phật bảo vệ mỗi con vật cũng được cho là sẽ bảo vệ những người sinh ra trong năm của con vật đó.

    3. Điện Awashimado

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: senso-ji.jp
    Điện Awashimado được xây dựng vào thời Genroku (1688 – 1704) để thờ Awashima Myojin, một vị thần được chuyển đến từ đền thờ mẹ ở Kada, tỉnh Wakayama. Bức hình chính của Phật A Di Đà được đặt ở giữa cùng với Awashima Myojin và Kokuzo Bosatsu ở bên trái và bên phải. 
    Ngôi điện từng được sử dụng tạm thời làm Chính Điện sau Thế Chiến II, sau đó được chuyển đến vị trí hiện tại và tân trang lại vào năm 1994.

    4. Chùa Năm Tầng

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: freepik/tawatchai07
    Chùa Năm Tầng được xây dựng lần đầu tiên vào năm 942 bởi chỉ huy quân sự Taira no Kinmasa. Cũng như Chính Điện, Chùa Năm Tầng bị phá hủy cùng ngày xảy ra cuộc Đại Không kích Tokyo, sau đó được xây dựng lại vào năm 1945 nhờ sự quyên góp của các tín đồ sùng đạo trên toàn quốc.
    Đặc biệt, tầng cao nhất của chùa là nơi lưu giữ xá lợi Phật (busshari), món quà từ Chùa Isurumuniya ở Sri Lanka.

    5. Nhà Demboin & Khu vườn

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: ambassadors-japan
    Đây được xem là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Khu vực Demboin bao gồm: Kyakuden (một tòa nhà dùng để đón khách), một lối vào, Shoin lớn và nhỏ (thư viện và phòng nghiên cứu), và Oima (phòng khách) cho trụ trì của Chùa Sensoji. Kyakuden cũng được sử dụng cho các buổi lễ tưởng niệm và đào tạo khổ hạnh. 
    Được bao quanh bởi các con đường đi bộ xung quanh cái ao lớn, Khu vườn được cho là do Enshu Kobori xây dựng vào đầu Thời kỳ Edo (1603–1868). Khu vườn này hiện đóng cửa với công chúng.

    6. Cổng Nitenmon

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: wikipedia
    Cổng Nitenmon là tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản, được xây dựng lần đầu vào năm 1618 để bảo vệ Điện Toshogu trong khuôn viên của Senso-ji. Thiết kế cổng hiện tại được xây vào năm 1649 với tên gọi Cổng Đông Sensoji. 
    Vào năm 2010, Cổng Nitenmon đã được khôi phục lại nguyên trạng sau nhiều lần trùng tu trong hàng trăm năm. Hai vị thần bảo vệ của Phật giáo (“Ten”) được gọi là Zochoten và Jikokuten được đặt ở bên trái và bên phải của cổng. Vì thế, “Nitenmon” trong tiếng Nhật có nghĩa là “cổng của hai thần Ten”.

    7. Cổng Hozomon (Cổng Niomon)

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: unsplash/Nicholas Doherty
    Cổng Hozomon được chỉ huy quân sự Taira no Kinmasa cho xây dựng lần đầu vào năm 942. Tokugawa Iemitsu, vị Mạc chúa đời thứ 3 của triều đại Tokugawa, đã nâng cấp khu phức hợp đền thờ, và lắp đặt thêm một cổng mới vào năm 1649. Cổng hiện tại được xây lại vào năm 1964 với sự đóng góp của doanh nhân Yonetaro Otani, người sáng lập Otani Heavy Industries và Hotel New Otani.

    8. Cổng Kaminarimon (Cổng Furaijinmon)

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: unsplash/yomogi
    Chỉ huy quân sự Taira no Kinmasa đã cho xây dựng Cổng Kaminarimon vào năm 942, và đây chính là cổng chính của Chùa Sensoji. Các bức tượng của thần gió Fujin (thần gió) và thần sấm Raijin được tôn trí ở đây để bảo vệ ngôi chùa khỏi thiên tai.
    Một trận hỏa hoạn lớn ở vùng lân cận Tawaramachi vào tháng 12 năm 1865 đã thiêu rụi Cổng Kaminarimon, và mãi đến 95 năm sau, vào năm 1960, cổng hiện tại mới được xây dựng lại dưới sự đóng góp của doanh nhân Konosuke Matsushita.

    9. Phố Mua Sắm Nakamise

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: pixabay/sebcaldera
    Nakamise là một trong những con phố mua sắm lâu đời nhất ở Nhật Bản đã tồn tại hơn 100 năm. Con phố này chỉ dài khoảng 250m và nằm trong khuôn viên chùa. Bạn sẽ tìm thấy các loại đồ chơi truyền thống của Nhật Bản, đồ thủ công mỹ nghệ, bánh ngọt và quà lưu niệm. Giá cả ở đây được đánh giá là hợp lý, nên đừng ngại chọn một cái gì đó nhé! Ngoài ra, khu vực này cũng tập trung bán các món ăn nhẹ đặc sản của khu Asakusa.

    10. Điện Bentendo

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: senso-ji.jp
    Điện Bentendo nổi bật với tượng nữ thần tóc xám Sarasvati (Benzaiten), được biết đến là một trong ba bức tượng nổi bật của Sarasvati (Benten) ở vùng Kanto. Chiếc chuông đặt trong Điện Bentendo được đúc lại vào năm 1692 theo lệnh của Mạc chúa đời thứ 5 Tokugawa Tsunayoshi và được người dân địa phương gọi là “chuông thời gian”.

    Những Lễ Hội Tại Chùa Sensoji Nhật Bản

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: gotokyo.org
    Nổi tiếng với sự linh thiêng, vẻ đẹp kiến trúc, cũng như những câu chuyện lịch sử, không có gì ngạc nhiên khi Chùa Sensoji thu hút 30 triệu khách tham quan mỗi năm. Nhiều người dân và du khách đến đây không chỉ để tham quan, cúng viếng, mà còn để hòa mình vào những lễ hội đặc sắc tại chùa diễn ra quanh năm. Đó là những lễ hội nào? Hãy cùng Klook tìm hiểu nhé.

    1. Hatsumode

    • Thời gian diễn ra: Ngày 1-7 tháng 1
    Đây là lúc mọi người đi lễ chùa vào dịp đầu năm để cầu bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu trong năm tới.

    2. Setsbun

    • Thời gian diễn ra: Ngày 3 tháng 2
    Trong lễ hội mùa xuân, người dân Nhật Bản thường tổ chức ném đậu khô để xua đuổi ma quỷ và cầu may. Nhưng ở Chùa Sensoji, người ta tin rằng không có ma quỷ nào có thể đến gần Quan Thế Âm Bồ Tát, nên thay vì hô "Ma quỷ, hãy ra ngoài!" thì sẽ hô “Cuộc sống dài lâu và may mắn, xin hãy đến!”

    3. Honzon Jigen-e

    • Thời gian diễn ra: Ngày 18 tháng 3
    Honzon Jigen-e là lễ kỷ niệm sự xuất hiện lần đầu của Quan Thế Âm Bồ Tát Kannon, hình ảnh chính của Chùa Sensoji, vào ngày 18 tháng 3 năm 628. Vào buổi chiều, bạn sẽ được xem múa rồng vàng trong chùa.
    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: pixabay/hot-sun

    4. Hana Matsuri

    • Thời gian diễn ra: Ngày 8 tháng 4
    Người Nhật kỷ niệm lễ Phật Đản bằng cách đổ amacha (trà hoa cẩm tú cầu) lên tượng Phật được đặt tại hanamido (một bàn thờ thường được trang trí bằng hoa).
    Lễ hội mang đến niềm vui và những kỷ niệm quý giá cho những người tham gia, như lần đầu tiên được nếm trà hoa cẩm tú cầu và mang những bó hoa tươi về nhà để làm kỷ niệm.

    5. Shiman-rokusen-nichi

    • Ngày: Ngày 9-10 tháng 7 
    Đây là hai ngày đặc biệt với những người theo đạo Phật, vì họ tin rằng, mình sẽ nhận được ơn lành tại Chùa Sensoji, có sức mạnh gấp 46.000 lần so với những ngày còn lại. 
    Chùa sẽ tổ chức hội chợ Hozuki-ichi với khoảng 120 quầy hàng trong dịp này, và bạn sẽ tìm thấy nhiều cây đèn lồng hozuki được bày bán khắp nơi.

    6. Osame-no-Kannon Goennichi

    • Ngày: Ngày 17-19 tháng 12
    Trong lễ hội cuối cùng của năm, mọi người thường háo hức đến Chùa Sensoji để tham quan khu ennichi (quầy hàng ngoài trời gần các đền thờ). Ngoài ra, còn có hội chợ Hagoita được tổ chức gần ngôi điện và cổng chùa.
    Đừng quên mang về một chiếc hagoita – vật may mắn trong văn hóa Nhật Bản. Hagoita là một chiếc vợt gỗ nhỏ được thiết kế hình dạng mái chèo, được dùng trong trò chơi cầu lông trong những ngày đầu năm mới.

    Các Địa Điểm Du Lịch Nổi Tiếng Xung Quanh Chùa Sensoji

    chua-sensoji
    Từ Chùa Sensoji, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng tháp chùa năm tầng Goju-no-To, một vài ngôi chùa phụ nhỏ hơn và những khu vườn nhỏ nhắn quyến rũ. Đặc biệt, Chùa Rokkakudo có cây cầu bằng đá cổ nhất và kiến trúc bằng gỗ lâu đời nhất Tokyo. 
    Bạn sẽ thấy Đền Asakusa ở bên phải Chính Điện, nơi thờ ba người đã xây dựng nên Sensoji, và cao chót vót bên kia sông chính là Tháp Tokyo Skytree, mang lại sự tương phản nổi bật giữa hiện đại và truyền thống. #teamKlook tham khảo thêm các địa điểm du lịch Tokyo hấp dẫn khác để tăng thêm màu sắc cho chuyến đi của bạn nhé!

    Kinh Nghiệm Tham Quan Chùa Sensoji Tự Túc

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: pixabay/huey3800
    Từ năm 2015, Chính Điện, Chùa, Cổng Hozomon và Cổng Kaminarimon sẽ được thắp sáng từ lúc mặt trời lặn cho đến 23h00. Chính Điện sẽ đóng cửa, nhưng khuôn viên chùa vẫn mở cửa cho khách tham quan. Nếu có dịp đến đây vào ban đêm, bạn sẽ cảm nhận một bầu không khí yên tĩnh, tĩnh lặng, hoàn toàn khác với sự rộn ràng, tấp nập vào ban ngày. Đây có lẽ là thời gian hoàn hảo đi dạo.
    Phong tục xin quẻ Omikuji rất phổ biến tại Nhật Bản, thường được tìm thấy ở các đền, chùa. Người Nhật duy trì phong tục này xuyên suốt mỗi dịp năm mới và hầu hết mọi người đều muốn biết được mình có gặp may mắn trong năm tiếp theo hay không. #teamKlook đến Chùa Sensoji nên thử vận may của mình với quẻ Omikuji nha.

    Các Quán Ăn/Nhà Hàng Gần Chùa Sensoji

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: unsplash/ayumi kubo
    Bạn có thể tìm thấy những món ăn đường phố ở khu mua sắm Nakamise, nhưng nếu để tìm một quán ăn hay nhà hàng “chill chill” một tí ở Asakusa thì hãy tham khảo những địa điểm ăn uống mà Klook tổng hợp sau đây nhé, bao gồm các nhà hàng truyền thống, quán cà phê thời thượng hay quán rượu izakaya bình dị.

    1. Onigiri Asakusa Yadoroku

    • Địa chỉ: 3-9-10 Asakusa, Taito-ku, Tokyo
    Nằm ngay sau Chùa Sensoji, Yadoroku là chuyên gia về món cơn nắm onigiri lâu đời nhất ở Tokyo. Bạn có thể chọn từ một loạt các lớp phủ khác nhau bao gồm: cá hồi, ume, tarako, shirasu và okaka, ăn kèm với súp miso đậu phụ và takuan (củ cải muối). Tất cả đều có giá cả phải chăng.

    2. Noake Tokyo

    • Địa chỉ: 5-3-7 Asakusa, Taito-ku, Tokyo
    Tiệm bánh Noake nổi tiếng với nhiều món bánh thơm ngon với công thức độc quyền ở khu Asakusa. Hãy đến Noake và gọi bánh bánh chuối caramel, hoặc một trong nhiều lựa chọn bánh khác của họ, và tận hưởng kỳ nghỉ ngọt ngào sau chuyến tham quan trong khi đắm mình trong bầu không khí hoài cổ.

    3. Benten

    • Địa chỉ: 3-21-8 Asakusa, Taito-ku, Tokyo
    Nhà hàng nhỏ này đã phục vụ món mì kiều mạch từ năm 1950 và đã trở thành một địa điểm nổi tiếng trong số những người dân địa phương muốn thưởng thức soba với một vại bia hoặc rượu sake. Món ăn đặc trưng của Benten là soba nghêu, với nước dùng thơm ngon được làm từ những con nghêu thịt có nguồn gốc từ quận Chiba, kết hợp mùi thơm nồng của yuzu và lá mitsuba. 

    4. Asahi

    • Địa chỉ: 3-33-6 Asakusa, Taito-ku, Tokyo
    Nhà hàng Trung Quốc này đã có hơn 70 năm kinh doanh và thực đơn ban đầu của nó không thay đổi một lần trong suốt nhiều thập kỷ, chẳng hạn như món mì ramen rau mùi paku-paku phổ biến. Nếu thêm một ít nước sốt nam pla (cá) vào, bạn sẽ có được một món ăn kết hợp ẩm thực Trung – Thái.

    5. Izakaya Koji

    • Địa chỉ: 2-3-19 Asakusa, Taito-ku, Tokyo
    Quán rượu này nằm ở mặt sau của Denboin-dori ở Asakusa, thường được biết đến với tên Hoppy Street. Với cả chỗ ngồi ngoài trời và chỗ ngồi trong quầy, nơi này luôn chật kín mọi ngày trong tuần. Ở đây phục vụ nhiều món kinh điển như thịt nguội và cá cam Nhật Bản ninh với củ cải trắng daikon.

    Các Khách Sạn/Nhà Nghỉ Gần Chùa Sensoji

    chua-sensoji
    Nguồn ảnh: richmondhotel.jp
    Với đầy những kho báu của Nhật Bản cổ đại, chẳng hạn như Chùa Sensoji đầy mê hoặc và tháp Tokyo Skytree ấn tượng, công trình kiến trúc cao nhất trong thành phố, Akasuka không chỉ là một khu vực hấp dẫn để khám phá mà còn khiến du khách muốn lưu trú tại đây để cảm nhận vẻ đẹp của nó rõ hơn. Dưới đây là danh sách khách sạn có tầm nhìn đẹp nhất ở Asakusa, còn “nhiệm vụ” của #teamKlook là nhanh tay đặt phòng qua hệ thống của Klook và áp dụng mã giảm giá độc quyền để được hưởng ưu đãi nha.

    1. The Gate Hotel Asakusa Kaminarimon by Hulic

    • Địa chỉ: 2-16-11 Kaminarimon, Taito-ku, Tokyo
    • Giá tham khảo: từ 1.228.000đ/đêm

    2. Richmond Hotel Premier Asakusa International

    • Địa chỉ: 2-6-6 Asakusa, Taito-ku, Tokyo
    • Giá tham khảo: từ 1.617.000đ/đêm

    3. Asakusa View Hotel

    • Địa chỉ: 3-17-1 Nishiasakusa, Taito-ku, Tokyo
    • Giá tham khảo: từ 2.226.000đ/đêm

    4. Hotel Wing International Select Asakusa Komagata

    • Địa chỉ: 2-7-5 Komagata, Taito-ku, Tokyo
    • Giá tham khảo: từ 1.022.000đ/đêm

    5. APA Hotel Asakusa Kuramae

    • Địa chỉ: 2-4-6 Komagata, Taito-ku, Tokyo
    • Giá tham khảo: từ 1.972.000đ/đêm
    Chùa Sensoji khá đông vui vào dịp cuối năm và đầu năm mới với nhiều lễ hội, hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Vậy còn thời điểm nào phù hợp để đi du lịch Tokyo và ghé thăm Chùa Sensoji hơn là vào lúc này nè! Để tiếp thêm tự tin cho bạn lên đường du lịch Nhật Bản tự túc, hãy ghé thăm trang Blog của Klook Việt Nam và tìm hiểu thêm nhiều thông tin thú vị về xứ sở hoa anh đào nhé. Đừng quên chuẩn bị trước SIM 4G hoặc bộ phát Wi-Fi 4G để có thể kết nối mọi lúc mọi nơi.
    Đang có rất nhiều bài viết mới về du lịch Nhật Bản cho bạn tham khảo. Ví dụ như: Lịch Trình Du Lịch Tokyo 5 Ngày 4 Đêm Tự Túc, JR Pass Là Gì? Vì Sao Bạn Cần Mua JR Pass Khi Đi Nhật Bản?, Địa Điểm Du Lịch Osaka Được Yêu Thích Nhất, Địa Điểm Du Lịch Hokkaido Không Thể Bỏ Qua, Địa Điểm Du Lịch Nhật Bản, Check-in Núi Phú Sĩ, Biểu Tượng Đầy Tự Hào Của Nhật Bản, Tháp Tokyo: Hướng Dẫn Đi Lại & Kinh Nghiệm Du Lịch Tự Túc,…
    Bạn đã khám phá Chùa Sensoji ở Tokyo hay chưa?
    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: